Theo các nhà khoa học, các chất thải độc hại có thể bị loại bỏ khỏi não khi con người ngủ và hệ thống loại bỏ các chất độc này cũng chính là một trong những lý do cơ bản tạo ra giấc ngủ của con người, BBC đưa tin.
Trong khi ngủ, các tế bào trong não như thế bào thần kinh đệm có chức năng làm sống các tế bào thần kinh sẽ co lại. Quá trình này sẽ làm tăng kích thước của các khoảng trống trong tế bào não và cho phép đưa nhiều chất lỏng hơn để tẩy sạch các chất độc hại. Khi tiến hành nghiên cứu ở não chuột, các nhà khoa học nhận thấy quá trình này diễn ra hiệu quả hơn gấp 10 lần trong khi chuột ngủ.
Các nhà khoa học trước đây từng chứng minh được vai trò của giấc ngủ trong việc phục hồi trí nhớ và khả năng học tập. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Đại học Trung tâm Y Rochester cho rằng cơ chế tẩy sạch chất độc hại trong não là một trong những lý do chính của giấc ngủ.
"Nguồn năng lượng của bộ não khá hạn chế, do đó não bộ chỉ có thể lựa chọn thực hiện hai chức năng khác nhau đó là tỉnh giấc và nhận thức, hoặc buồn ngủ và tẩy sạch chất độc hại trong não", tiến sĩ Maiken Nedergaard cho biết.
Nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng khi chứng minh được vai trò của giấc ngủ đối với quá trình phục hồi chức năng tế bào não và có thể có những tác dụng bảo vệ khác đối với não bộ.
Một số protein độc hại không được tẩy sạch sẽ có thể gây ra tình trạng rối loạn trong não. Bệnh Alzheimer hay Parkinson là những loại bệnh đặc trưng do các protein hư hỏng bị tích tụ trong não gây ra.
Thùy Linh