Nghiên cứu thực hiện trong 50 năm, được công bố trên tạp chí Psychological Bulletin, ngày 20/12. Các nhà khoa học đã xem xét 154 nghiên cứu độc lập khác về tình trạng thiếu ngủ ở hơn 5.000 người, tuổi từ 7 đến 78, để đưa ra kết luận trên.
Họ phát hiện tình trạng giảm cảm giác vui vẻ, nhiệt tình và hạnh phúc thường biểu hiện ở người thiếu ngủ. Cảm xúc của mọi người thường bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu ngủ ít hơn 4 tiếng so với bình thường. Mất ngủ cũng có thể khiến mọi người cảm thấy lo lắng, trầm cảm.
Kết quả nghiên cứu rất quan trọng, theo nhóm tác giả, bởi những người có biểu hiện tiêu cực sau khi thiếu ngủ thường không trải qua tình trạng này trước đó. Họ từng thích gặp gỡ bạn bè, tham dự sự kiện thú vị hoặc xem chương trình truyền hình yêu thích.
"Việc thay đổi cảm xúc đột ngột khiến nguy cơ trầm cảm tăng cao hơn", tiến sĩ Jo Bower, Đại học East Anglia, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Các nhà khoa học phát hiện tình nguyện viên thiếu ngủ có ít động lực hòa nhập xã hội, có nguy cơ bị cô lập và trải qua cảm giác cô đơn. Những người buộc phải thức suốt đêm hoặc mất ngủ triền miên bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh phải thức đêm vì chăm con đang ở độ tuổi bú mẹ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu ngủ có thể khiến mọi người tăng sinh cortisol - một loại hormone gây ra phản ứng căng thẳng trong hệ thần kinh. Tác dụng của hormone này với hệ thần kinh hỗ trợ tạo ra các triệu chứng lo âu về thể chất, biểu hiện ở việc nhịp tim tăng hoặc nhịp thở nhanh.
Ngủ không đủ giấc cũng làm gián đoạn quá trình sản xuất serotonin của não, một chất dẫn truyền thần kinh tạo hormone hạnh phúc, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng. Lượng serotonin trong cơ thể không đủ dẫn đến tình trạng trầm cảm.
Mất ngủ cũng liên quan đến một số vấn đề sức khỏe mạn tính, chẳng hạn bệnh tim mạch, bệnh thận, tiểu đường, tăng huyết áp, đột quỵ, ngưng thở khi ngủ, béo phì và trầm cảm.
Thục Linh (Theo New Zealand Herald)