Trong xã hội hiện đại, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với các rối loạn giấc ngủ. Có những người mất ngủ cả đêm, số khác lại hay tỉnh dậy giữa chừng.
Health đưa tin, theo báo cáo của tạp chí Sleep, chuyên gia tâm thần học và khoa học hành vi Patrick Finan từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu so sánh giữa giấc ngủ gián đoạn và giấc ngủ ngắn nhưng liên tục trên 62 tình nguyện viên khỏe mạnh. Những người đàn ông và phụ nữ này trải qua 3 ngày 3 đêm trong phòng thí nghiệm, trả lời các câu hỏi về cảm xúc cá nhân cho đến khi cảm thấy buồn ngủ. Họ được chia làm 3 nhóm: nhóm thứ nhất bị gọi dậy nhiều lần một đêm, nhóm thứ hai chỉ được đi ngủ muộn nhưng không bị đánh thức, nhóm còn lại được tự do ngủ và không bị làm phiền.
Khi đo đạc các giai đoạn ngủ và so sánh cảm xúc giữa các tình nguyện viên, Finan nhận thấy sau đêm đầu tiên, nhóm thứ nhất và thứ hai đều bị giảm các cảm xúc tích cực. Đến những đêm tiếp theo, tâm trạng nhóm bị đánh thức tiếp tục xấu đi trong khi nhóm không bị đánh thức vẫn như cũ. Điều đó có nghĩa một giấc ngủ bị gián đoạn sẽ gây hại cho cơ thể hơn và làm tăng các cảm xúc tiêu cực.
Ngoài ra, nhờ xem xét hoạt động não của hai nhóm trên, Finan phát hiện những ai bị tỉnh giấc nhiều lần khó đạt được giấc ngủ sâu, khiến họ không có cảm giác được nghỉ ngơi.
"Chúng ta phải quan tâm đến cả thời lượng lẫn chất lượng của giấc ngủ và cảm xúc", nhà khoa học cho biết. Tất nhiên, thời gian nghỉ ngơi không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi hàng loạt yếu tố như công việc, gia đình, bạn bè... Tuy vậy, trong mọi trường hợp, bạn hãy cố gắng đừng để giấc ngủ của mình bị ngắt quãng.
Minh Nguyên