Giấc mơ xuân của một đứa con xa nhà đã gần một năm với những nỗi nhớ mà chỉ khi xuân về, nó mới có dịp “rạo rực” như thế này. Kèm theo nỗi nhớ ấy là bao dự định ấp ủ vào ngày Tết cổ truyền được trở về bên ba mẹ.
Con đang tự hỏi giờ này ở quê mẹ đang làm gì, có phải vất vả lắm không? Tự hỏi lòng là nhưng lòng mình cũng đã có câu trả lời rồi. Với những ngày cuối năm thì những người buôn bán hải sản như mẹ tôi thì đây là thời điểm để có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình nhưng đấy cũng là lúc vất vả, bận rộn nhất.
Con vẫn nhớ như in cái cảnh khi cả xóm nhỏ vẫn còn đang chìm vào giấc ngủ sâu, trời se se lạnh mà mẹ đã phải thức giấc, bắt đầu ngày làm việc của mình để có thể đáp ứng đủ đơn đặt hàng từ các đám cưới, các nhà hàng trong thành phố, việc “biếu, cho” ơn nghĩa khi đã kết thúc một năm… Hành trang của mẹ chỉ là chiếc xe đạp cũ, với mấy cái thùng và cái cân. Lúc đó, con còn quá nhỏ để có thể theo mẹ trên cái hành trình mưu sinh ấy nhưng Tết này trở về con đã đủ lớn, đủ sức mạnh để có thể theo mẹ, gánh một phần nào cái vất vả mà mẹ đã trải qua suốt hai mươi năm nuôi con khôn lớn.

Bắt đầu cuộc sống sinh viên, đánh dấu cho một sự trưởng thành mới, thoát khỏi cái vỏ bọc của gia đình… đó là suy nghĩ riêng của tôi. Nhưng với ba tôi, tôi vẫn chỉ là một đứa con gái bé bỏng của ba, vẫn cần được “giám sát”. Việc tôi trở thành sinh viên cũng đồng nghĩa với việc gia đình phải có thêm thu nhập để có thể gửi tiền đều đều hàng tháng cho tôi, nghe có vẻ cái suy nghĩ ấy hơi “khô” nhưng đó là thực tế mà gia đình nào có con lên thành phố học đều lo và nghĩ đến. Vì thế mà con biết được năm này, ba đã quyết định từ một người nuôi tôm lại “kiêm” thêm công việc chăm sóc bốn “chú” bò. Công việc mới, vất vả mới, lo lắng mới nhưng con ngạc nhiên khi ba bảo đó cũng là niềm vui mới của ba.
Ba bảo: “Được làm việc để có tiền nuôi con ăn học thành tài thì ba lúc nào cũng vui”. “Ba ah! Tết này về, con cũng sẽ tận hưởng cái niềm vui mới đó cùng với ba nhé. Bỏ lại sau lưng cái gọi là sinh viên tri thức, con sẽ đóng vai con của một người nông dân chính hiệu trong suốt mùa Tết này, con đã sẵn sàng cho việc cầm liềm đi cắt cỏ cho bò, vun rơm, cho bò uống nước và cả tắm cho bò nữa”.
Món khoái khẩu ngày Tết của con là bánh tét ăn kèm dưa món, cái dẻo của nếp hòa cùng vị giòn của dưa món đúng là tuyệt nhất. Là một người con đất Việt nhưng con chưa bao giờ tự tay làm được cái món cổ truyền ấy, công việc trước đây của con chỉ là ngồi bên bếp lửa, mắt sáng rực đợi cái giây phút vớt bánh ra khi bánh chín, suy nghĩ lại mà tự thấy hổ thẹn.
Xuân này về, con quyết tâm sẽ theo bà nội học và gói được ít nhất một cây bánh tét, làm được cho riêng mình một hũ dưa món để cả gia đình cùng thưởng thức ngày Tết.
Vừa rồi, chỉ là những cái dự định thực tế liên quan đến cái gọi là “vật chất” mà chính con mơ và tự vẽ ra cho chính mình trong ngày Tết, nhưng còn cái gọi là “tinh thần” con không biết mình có thể làm tốt hay không. Con còn nhớ như in cái câu hỏi lúc nhỏ của mình hay hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Sao bạn con Tết ai cũng được về nhà ngoại, sao nhà mình không về thăm ngoại mẹ?”. Kết thúc câu hỏi ấy, tôi chỉ nhận được một sự im lặng khác lạ và một đôi mắt buồn từ mẹ. Đến khi lớn lên tôi mới nhận được câu trả lời cho cái câu hỏi hồn nhiên ấy: “Ừ! vì mẹ mồ côi ba mẹ từ nhỏ”.
Đó là một nỗi buồn mà tôi không biết mình phải làm như thế nào để có thể xua tan nó. Nhưng mẹ ơi, con không nghĩ sẽ để nỗi buồn ấy mãi trong mẹ đâu, con sẽ yêu thương mẹ với tất cả những gì con gái có, sẽ mãi để mẹ luôn nở nụ cười hạnh phúc và tự hào về con. Bù đắp lại những ngày tháng cô đơn mà bao cái Tết trước kia khi con chưa ra đời. “Tết đến rồi, Mùng 1, mẹ con mình lại lên chùa, sau đó đi viếng mộ ngoại, thắp cho ngoại nén nhang mẹ nhé!”.
Tôi tin rằng, những người con xa nhà như tôi cũng đều có giấc mơ xuân cho riêng mình. Tôi mong rằng tất cả các giấc mơ tốt đẹp ấy đều trở thành sự thật. Hoặc nếu vì lý do nào đó không thực hiện được thì mong mọi người vẫn hãy tiếp tục mơ cho những cái xuân sau.
Với ba mẹ thân yêu của mình, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng: “Ba mẹ ơi! Con đã sẵn sàng để biến giấc mơ xuân của mình thật hiện thực rồi. Đợi con trở về ngày Tết ba mẹ nhé!”.
Lê Mỹ Ngọc Ánh
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |