Những năm gần đây, hai phòng thí nghiệm Retro Biosciences và Altos Labs nhận được khoản đầu tư hàng triệu USD từ giám đốc điều hành OpenAI (ChatGPT), Sam Altman và người sáng lập Amazon, Jeff Bezos. Trong khi đó, ông trùm của PayPal, Peter Thiel cũng góp 1 triệu USD cho Methuselah Foundation, tổ chức từ thiện y sinh học đặt mục tiêu đảo ngược 40 năm dấu mốc lão hóa của con người vào năm 2030.
Tuy nhiên, con đường tái lập trình tế bào và thiết kế gene trường thọ không hề dễ dàng. Những người ủng hộ liệu pháp chống lão hóa phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý, vấn đề đạo đức và khó khăn về tài trợ dài hạn.
"Chúng tôi nhanh chóng thất bại trong giai đoạn đầu của những dự án lẻ tẻ. Mục tiêu là đạt lợi nhuận khi thực hiện sứ mệnh của mình, nhưng sứ mệnh lại là cứu sống con người, thay vì kiếm tiền", đồng sáng lập và giám đốc điều hành Methuselah, David Gobel, chia sẻ
Tương lai của ngành trường thọ
Gobel là một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm. Ông thành lập Methuselah năm 2001 ở tuổi ngũ tuần, sau khi tự đặt cho mình câu hỏi: "Điều gì quan trọng hơn, tiền bạc hay sức khỏe?". Ông vì thế khởi động dự án Methuselah, kỳ vọng có thể nghiên cứu liệu pháp trường thọ. Một trong những mạnh thường quân đầu tiên là Thiel. Gần đây hơn, năm 2021, Vitalik Buterin - đồng sáng lập Ethereum 30 tuổi, người được mệnh danh là tỷ phú tiền điện tử trẻ nhất thế giới - đã đóng góp hơn 13,6 triệu USD.
Methuselah tự hào có 9 công ty con trong danh mục đầu tư. Một trong số đó, Leucadia Therapeutics đã phát triển thiết bị khôi phục dòng chảy của dịch não tủy và loại bỏ độc tố góp phần vào sự phát triển của bệnh Alzheimer.
Công ty khác, X-Therma, tập trung vào việc sử dụng công nghệ ướp lạnh dưới 0 độ để bảo quản nội tạng trong hơn 72 giờ và vận chuyển chúng qua Đại Tây Dương, sẵn sàng cho phẫu thuật cấy ghép.
Methuselah cũng hợp tác với NASA để xác định các cách nuôi cấy mô người trong phòng thí nghiệm, từ đó hỗ trợ các phi hành gia trong nhiệm vụ không gian kéo dài.
Gobel cho biết ước mơ lớn hơn của ông là tái tạo, thay thế tế bào tủy xương rối loạn chức năng do tuổi già bằng tế bào khỏe mạnh.
"Nếu trẻ hóa được tủy xương, bạn có thể trẻ hóa bất cứ thứ gì. Nếu bạn có thể trẻ hóa máu, những tác động tiếp theo thật tuyệt vời", ông nói.
Thách thức khi đưa ra thị trường
Gobel cho biết trở ngại chính khi đưa những ý tưởng này ra thị trường là vấn đề pháp lý. Ông lấy ví dụ, một công ty phần mềm có thể ra mắt sản phẩm mới chỉ với 5 triệu USD, không cần quá nhiều quy định. Sau đó, phầm mềm tự phát triển hoặc thất bại theo quy luật của thị trường. Tuy nhiên, các công ty công nghệ sinh học tốn 12 đến 15 năm, cần khoảng 1 tỷ USD để làm điều tương tự. Số tiền này không phải "từ trên trời rơi xuống".
Thuốc và thiết bị y tế cần nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng để đảm bảo an toàn. Sau đó, công ty nộp hồ sơ dữ liệu lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Nếu may mắn được phê duyệt, sản phẩm vẫn phải trải qua quá trình theo dõi, trước khi đưa ra thị trường. Trung bình, FDA mất khoảng 12 năm để phê duyệt một loại thuốc mới và ba đến bảy năm để phê duyệt một thiết bị y tế.
FDA hiện chưa phê duyệt bất kỳ loại thuốc hoặc liệu pháp nào dành riêng cho điều trị lão hóa. Cơ quan không coi lão hóa là một căn bệnh, mà là một quá trình tự nhiên.
"Vì vậy, đừng mong đợi một viên thuốc kéo dài tuổi thọ sớm xuất hiện", Gobel nói.
Tuy nhiên, "trì hoãn cái chết" là câu chuyện lớn, với những phương pháp phong phú hơn một viên thuốc đơn thuần. Các công ty đang nỗ lực đầu tư vào lĩnh vực này, với cách tiếp cận khác nhau.
Altos Labs do Jeff Bezos hậu thuẫn ra mắt năm 2022, với mục tiêu đảo ngược lão hóa bằng cách trẻ hóa tế bào. Cùng năm, nhà khoa học Joe Betts-LaCroix sáng lập Retro Biosciences, trọng tâm là tái lập trình tế bào, giúp mọi người có thêm 10 năm sống khỏe. Sam Altman đầu tư 180 triệu USD vào dự án này.
Khúc mắc về vấn đề đạo đức
Sự bùng nổ của các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học trong những năm 2020 là khởi nguồn của các nghiên cứu tiên tiến, nhưng cũng tạo ra nhiều tình huống khó xử về đạo đức.
Tiến sĩ Joshua Chodosh, giám đốc Khoa Lão khoa và Chăm sóc giảm nhẹ tại Trường Y khoa NYU Grossman, cho biết giới khoa học đối mặt với vấn đề lớn: đối tượng nghiên cứu và thời gian can thiệp liệu pháp.
"Một số liệu pháp nhất định có thể hữu ích cho người lớn tuổi, nhưng lại gây hại cho người trẻ hơn", Chodosh chia sẻ.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu thường chỉ tập trung vào một số căn bệnh cụ thể và một cơ quan phê duyệt duy nhất là FDA.
"Lão hóa là lĩnh vực rộng, có tính tích hợp. Tình trạng lão hóa cũng xuất hiện ở khắp cơ thể", Chodosh nói.
Một số nhà nghiên cứu suy đoán, dù y học có tiến bộ đến đâu, con người không còn nâng cao được tuổi thọ. Tuổi thọ trung bình ở Mỹ là 77,5 vào năm 2022, được dự đoán không tăng nhiều trong ba thập kỷ tới, ngay cả khi toàn cầu đang săn lùng thuốc chống lão hóa.
Theo Chodosh, điều cần làm hơn là giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, giáo dục về chế độ ăn, lối sống, để phần đông dân số khỏe mạnh hơn một cách tự nhiên và bền vững.
Thục Linh (Theo NY Post)