Các dự án sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam được nhen nhóm từ cách đây chục năm. Năm 2005, Postef và năm 2007, công ty Thuận Phát đã đầu tư hàng triệu USD để xây dựng nhà máy nhằm tung ra thị trường những lô hàng điện thoại di động giá rẻ. Trước đó một công ty khác là VinaMobi nhập máy móc, linh kiện từ Đức, thậm chí đưa nhân lực ra nước ngoài đào tạo với mục tiêu cho ra đời điện thoại giá rẻ vào cuối năm 2005. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, các kế hoạch trên đã bị chìm vào quên lãng.
Không ít người hoài nghi Việt Nam có thể có một sản phẩm "made in Vietnam" thành công vì công nghệ trong nước chưa phát triển và khi xuất hiện trên thị trường sẽ vấp ngay phải sự cạnh tranh của các "đại gia" dày dạn kinh nghiệm và đã có lượng khách hàng rất lớn như Nokia/Microsoft, Samsung...
Không những thế, chi phí đầu tư ban đầu lớn trong khi tỷ lệ thành công thấp khiến nhiều hãng chùn chân. Do đó, thay vì tạo một sản phẩm Việt thực thụ, thời gian qua, một số công ty trong nước chọn cách dễ dàng hơn là nhập linh kiện, điện thoại từ Trung Quốc rồi gắn mác "thương hiệu Việt".
Hai năm trở lại đây, các nhà mạng lớn ở Việt Nam như VNPT Technology và Viettel cũng đã xây dựng nhà máy và thực sự tung ra thị trường các mẫu smartphone "Made in Vietnam". Tuy vậy, đó đều là những mẫu điện thoại chưa có gì nổi bật về thiết kế và cấu hình bởi chúng thuộc phân khúc giá rẻ, hướng đến nhóm khách hàng như học sinh sinh viên, công nhân, nông dân...
Vì vậy, việc Tập đoàn công nghệ Bkav trưng bày smartphone đầu tiên của họ lại triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES 2015 tuần trước ở Mỹ được ví như một "quả bom" trong làng di động Việt. Thông tin này lập tức thu hút hàng trăm lượt bình luận trên VnExpress Số Hóa cũng như lan truyền chóng mặt trên Facebook. Không ít độc giả chia sẻ rằng, họ luôn mong ước một ngày nào đó, Việt Nam có những chiếc điện thoại "do người Việt sản xuất, cho người Việt dùng và tạo được sự hài lòng nhất định".
Smartphone giấu trong khung kim loại của Bkav. Ảnh: Châu An. |
"Thấy dòng chữ Made in Vietnam là trong lòng vui vô cùng", độc giả Nguyễn Vinh chia sẻ, trong khi độc giả Huy Phong nói: "Lần đầu tiên trong đời tôi không đem thiết kế của sản phẩm này so sánh với sản phẩm khác. Đơn giản là hàng Việt Nam thì dù thế nào cũng ủng hộ. Tôi tự hào vì Bkav dám nghĩ dám làm".
Dù giấu kín trong bộ khung kim loại và vẫn chưa lộ thiết kế, cấu hình, smartphone của Bkav vẫn khiến nhiều người hào hứng bởi đây là mẫu điện thoại đầu tiên do Việt Nam sản xuất nằm trong phân khúc cao cấp thay vì giá rẻ như trước. Không những vậy, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav, cho biết họ đã đầu tư hàng triệu USD trong 4 năm để cho ra đời "một trong những smartphone đẹp nhất thế giới".
"Điều chúng tôi tự hào nhất là dòng chữ sau máy: Designed by Bkav. Made in Vietnam (Bkav thiết kế, sản xuất tại Việt Nam)", ông Thắng nhấn mạnh.
Dòng chữ sau máy: Designed by Bkav. Made in Vietnam khiến không ít người hào hứng. Ảnh: Châu An. |
Phải đến tháng 3, smartphone này mới chính thức được công bố và khi đó, người tiêu dùng mới biết sản phẩm có thực sự đáp ứng được kỳ vọng của họ hay không. Tuy nhiên, những phản ứng của độc giả trước thông tin trên cho thấy sự mong mỏi như thế nào của rất nhiều người về một sản phẩm công nghệ cao "made in Vietnam".
"Chắc chắn rất nhiều người mong chờ ngày ra mắt của sản phẩm Made in Vietnam này. Chưa biết tương lai sản phẩm ra sao, nhưng chắc người Việt cũng sẽ ủng hộ", độc giả Nhân dự đoán.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện Trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp, cho hay smartphone của Bkav và những sản phẩm khác do Việt Nam tự sản xuất là rất cần thiết để trả lời câu hỏi là Việt Nam có làm được những sản phẩm công nghệ cao hay không.
"Bkav là một tập thể trẻ với tinh thần doanh nhân, họ đã đi theo hướng khác biệt là sử dụng công nghệ cao, đặc biệt có sự đầu tư mạnh và đúng đắn, khôn ngoan khai thác nguồn tài chính theo chiều sâu, do đó không có lý do gì chúng ta không khuyến khích, ủng hộ những sản phẩm của họ như Smart Home hay smartphone. Tôi đánh giá cao điện thoại của Bkav về mặt kỹ thuật, tiềm năng thị trường cũng như khả năng mở rộng về phần cứng, phần mềm", ông Quân cho biết.
Tuy nhiên, vị Viện trưởng này nhận định, Bkav đang đầu tư lớn nhưng nếu không khai thác rộng thì sẽ có nguy cơ lãng phí: "Bkav không thể một mình làm tất cả, nhất là trong bối cảnh các đối thủ quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm cạnh tranh. Họ nên phối hợp thêm với các doanh nghiệp khác trong nước để chia sẻ công nghệ, tạo ra chuỗi cung ứng nhằm khai thác hiệu quả, xây dựng thương hiệu mạnh cho quốc gia".
Điện thoại di động nằm trong Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 25/11 và sẽ có hiệu lực ngay trong tuần này (kể từ ngày 15/1/2015). Việc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao được xem là giải pháp quan trọng để xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh, hướng tới sản xuất những sản phẩm công nghệ cao "made in Vietnam".
Châu An