Tháng 6/2021, STEAM for Vietnam kỷ niệm tròn một tuổi. "Một năm không dài nhưng với dự án, đó là một hành trình ấn tượng nhiều cảm xúc. STEAM for Vietnam đã có 7.000 học sinh đăng ký trong học kỳ đầu. Hè 2021 có gần 20.000 bạn tham gia ba lớp học. Số giáo viên tham gia giảng dạy là hơn 140 người đến từ các tập đoàn công nghệ nổi tiếng toàn cầu. Nhiều người trong số đó có tiền cũng không thể mời được", ông Hùng Trần - người sáng lập dự án - nhìn lại hành trình một năm phát triển.
Sau những năm tháng lăn lộn ở Thung lũng Silicon và khởi nghiệp thành công với startup triệu USD - Got It, Tiến sĩ Trần Việt Hùng (Hùng Trần) nhận thấy, thực tế người Việt ở nước ngoài, làm việc trong những tập đoàn lớn đều rất giỏi với nền tảng vững chắc.
"Nếu thế hệ trẻ ở Việt Nam được rèn giũa, tôi luyện từ sớm, đến độ tuổi tốt nghiệp, hoàn toàn có thể trở thành công dân toàn cầu chính hiệu, đủ khả năng làm việc ở những công ty hàng đầu thế giới và có thể cạnh tranh với bạn bè cùng trang lứa ở bất kỳ đâu. Đó là lý do mình quay về Việt Nam, thành lập dự án STEAM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Arts - Nghệ thuật, Mathematics - Toán học) miễn phí cho trẻ em", ông Hùng chia sẻ.
Theo nhà sáng lập, thách thức lớn nhất khi triển khai dự án là con người. Những kỹ sư được mời giảng dạy đều là những tài năng công nghệ, đang làm việc tại những tập đoàn công nghệ lớn. "Họ đều là những người rất giỏi, chỉ cần nghe qua là biết mục đích của mình. Mình phải rất thẳng thắn, thật thà nói về ước mơ, mục tiêu, tầm nhìn, nếu có gì không rõ ràng, họ sẽ từ chối ngay lập tức. Chưa kể toàn bộ dự án là phi lợi nhuận, họ tham gia nhưng không được trả lương. Nhiều người thậm chí có tiền cũng chưa chắc mời được vì ở công ty, họ đã được trả mức lương rất cao", ông Hùng nói.
Để thuyết phục được đội ngũ kỹ sư hùng hậu về giảng dạy miễn phí cho trẻ em Việt Nam. Thời gian đầu, ông Hùng phải chuẩn bị rất kỹ từng khâu, tìm hiểu thị trường, chuẩn bị nền tảng công nghệ, vận dụng tất cả kinh nghiệm có được khi startup để xây dựng hệ thống, tuyển quân.
Từ ngày đầu thành lập dự án, STEAM for Vietnam đã xác định sẽ mời những người đặc biệt xuất sắc về giảng dạy. Sau đó người này nhìn người kia và tụ hội về như những thỏi nam châm thu hút nhân tài. Bản thân những người sáng lập ban đầu cũng phải dấn thân, bỏ tiền túi ra để chứng minh hoạt động của mình là nghiêm túc và tâm huyết.
"Tuy nhiên không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Thời gian đầu, có những người tham gia tình nguyện vì những mục đích rất khác. Họ cố gắng vào bằng được rồi bất ngờ biến mất khi đã đạt được mục đích khiến nhiều người trong dự án cảm thấy sốc", ông Hùng kể. Mặc dù chỉ chiếm số ít, những sự cố này ảnh hưởng khá lớn đến việc "tuyển quân" sau này của STEAM for Vietnam. Khi gặp các tình nguyện viên mới, mọi người đều phải cẩn trọng hơn vì không biết đối phương có thật sự muốn tham gia vì lợi ích chung của cộng đồng hay vì động cơ cá nhân. Theo nhà sáng lập trại hè lập trình cho trẻ em, hồ sơ muốn tham gia STEAM for Vietnam giờ nhiều nhưng tuyển khó hơn cả cho Got It.
Sau khi đã kết nối được đội ngũ tình nguyện viên trên khắp thế giới, bước tiếp theo của STEAM for Vietnam là mở lớp, tuyển học sinh. Mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng một sản phẩm công nghệ để phụ huynh, học sinh được trải nghiệm, học các kiến thức về STEAM. Nhưng khi về Việt Nam, dự án nảy sinh nhiều tình huống bất ngờ. Nhiều trường học nhận thấy tiềm năng của chương trình đã bày tỏ mong muốn được đưa STEAM for Vietnam vào trường như một bộ môn chính thống.
Vì vậy, ngoài việc mở lớp cho tất cả học sinh trên toàn quốc, STEAM for Vietnam cũng chọn ra một số hệ thống trường để làm việc cùng nhau, xem đánh giá của học sinh, phụ huynh, trường học và cơ quan quản lý trước khi mở rộng mô hình. Không đơn thuần là một bộ môn công nghệ, dự án còn xây dựng một bộ công cụ riêng để thầy cô có thể đăng nhập vào hệ thống, xem học sinh trường mình học môn này so với trường khác thế nào, hệ thống thậm chí còn mở rộng ra các hệ thống giáo dục nước ngoài, cho phép thầy cô so sánh mặt sàn của học sinh Việt Nam với quốc tế. Các bộ công cụ cũng cho phép thầy cô theo dõi chi tiết học sinh chăm chỉ thế nào, dành nhiều thời gian cho bộ môn gì để sắp xếp thời khoá biểu phù hợp.
Những trường học chưa tham gia vào hệ thống thì học sinh vẫn có thể đăng ký học tập với ba lớp cơ bản: Tư duy máy tính và lập trình Scratch; Khoa học Máy tính với Python; Thiết kế và Lập trình Robotics với VEX IQ.
Lớp đặc biệt nhất mà đội ngũ thành lập mong muốn tất cả trẻ em Việt Nam đều có thể tiếp cận là Tư duy máy tính và lập trình Scratch. Đây là lớp dành cho các bạn từ 8 đến 16 tuổi, lần đầu tiếp xúc công nghệ. Lớp học không dạy các bạn trẻ phải trở thành kỹ sư lập trình trong tương lai, hay làm việc trong lĩnh vực công nghệ, mà giúp các em nhỏ có được phương pháp tư duy hiệu quả, tối ưu, để sau này có thể tiếp cận các vấn đề một cách logic, dễ dàng.
Hiếu Lê, kỹ sư đang làm việc tại Facebook - tình nguyện viên của STEAM for Vietnam cho rằng, trẻ em Việt Nam có khả năng tư duy logic, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Các em cũng có kỷ luật khi giải quyết những vấn đề dài hơi - những yếu tố cần thiết để thành công trong ngành lập trình nói riêng và các lĩnh vực khoa học - công nghệ nói chung. Tuy nhiên, việc trẻ em Việt Nam không được tiếp xúc với Khoa học Máy tính từ sớm và phương pháp truyền đạt bộ môn này còn khô khan và thiếu cảm hứng là một trở ngại.
Đó là lý do các giảng viên của STEAM for Vietnam không chỉ dạy lập trình, tư duy máy tính cho trẻ em, mà còn xây dựng những buổi trò chuyện với các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ nổi tiếng khắp thế giới. "Quan điểm của đội ngũ sáng lập là làm gì cũng phải mang tính thời đại. Xây dựng nội dung học tập để trẻ em có được những ước mơ lớn hơn, để cung trăng không chỉ có chị Hằng, chú cuội mà còn có tàu thám hiểm, vũ trụ. Giáo trình giảng dạy phải hiện đại, thực tế. Trẻ em Mỹ được học gì, STEAM for Vietnam cũng cố gắng không bị đi sau. Nội dung luôn cập nhật, hấp dẫn", ông Hùng nói.
Một trong những vị khách mời "khủng" mà STEAM for Vietnam mời về nói chuyện với trẻ em là Tiến sĩ Jeremy Frank - nhà khoa học nổi tiếng đang làm việc ở NASA. Đội ngũ vận hành phải mất 6 tuần để mời được ông tham gia giao lưu với các học sinh Việt Nam. Ông đã nói chuyện với các em về nhiệm vụ của mình ngoài không gian, trả lời các thắc mắc.
"Những cuộc trò chuyện với chuyên gia của NASA, Google, Microsoft... giúp ước mơ của nhiều bạn trẻ khác hẳn. Các em không chỉ mơ ước có bộ đồ chơi mới, mẹ cho ăn gì... mà mơ ước được đặt chân lên mặt trăng. Khi suy nghĩ khác đi, một ngày nào đó, một trong hàng triệu ước mơ đó có thể thành sự thật. Đó là lý do vì sao dự án luôn tìm kiếm những khách mời đặc biệt về nói chuyện với các bạn nhỏ", nhà sáng lập STEAM for Vietnam chia sẻ.
Các bài giảng của STEAM for Vietnam được thiết kế để học sinh có thể vừa chơi vừa học. Các bài tập lập trình được chuyển thành các tựa game hấp dẫn. Để có thể đáp ứng được số lượng học sinh lớn, đội ngũ kỹ sư của dự án đã xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ ở phía sau cho tất cả hoạt động từ giảng dạy tới hỗ trợ. Học sinh chỉ cần có một máy tính kết nối Internet và có thể học từ bất kỳ đâu trên thế giới.
Thách thức lớn nhất với đội ngũ vận hành STEAM for Vietnam là từ trước tới nay chưa từng có lớp học trực tuyến nào có 5.000 học sinh đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều bạn thậm chí chưa nói sõi tiếng Việt, số khác bị lệch múi giờ... Các giáo viên phải thu thập dữ liệu, thiết kế bài học phù hợp cho tất cả.
Mặc dù đội ngũ trợ giảng đều là những người biết và được đào tạo dạy theo kiểu Mỹ, song trước hàng nghìn học sinh, cũng có những tình huống khiến thầy cô bối rối, phải có một đội ngũ hậu cần hùng hậu để "yểm trợ", giải quyết những tình huống phát sinh. Ví dụ, nếu thầy dạy chính ở bờ Đông, thầy dạy phụ sẽ ở bờ Tây. Nếu thầy chính ở Mỹ gặp trục trặc, sẽ có ngay một thầy ở Singapore đứng lớp, đảm bảo tiết học không bị gián đoạn dù mọi người chỉ tham gia dưới hình thức trực tuyến.
Kết thúc mỗi khoá học, STEAM for Vietnam đều có "Demo Day" để chọn ra những dự án hay nhất, sáng tạo nhất trong hàng chục nghìn dự án Scratch được hoàn thành. "Mỗi trẻ lại mang đến một góc nhìn sáng tạo ở những khía cạnh khác nhau khiến mình không khỏi bất ngờ. Có em làm thư viện để mọi người tra cứu thông tin về Covid-19, có bạn làm phần mềm chơi nhạc, vẽ tranh hoặc sáng tác một câu chuyện. Có thể người khác nhìn vào thấy bình thường, nhưng với mình, mỗi dự án đều đặc biệt, vì nó là kết quả của hành trình từ 0 đến 1, từ những bạn chưa biết gì về lập trình, sau một khoá học đã có thể code và làm được những dự án thú vị", Hùng Trần chia sẻ.
Hai mặt của công nghệ là bên cạnh việc đào tạo các tài năng trẻ, các dự án STEAM cũng có thể tạo ra khoảng cách giữa trẻ em thành phố với nông thôn. Đa số trẻ em vùng sâu, vùng xa khó có thể tiếp cận các khoá học do những lý do khách quan về địa lý, cơ sở vật chất. Đó là lý do vì sao STEAM for Vietnam đang ráo riết chuẩn bị cho "Khoá học CS 201 - Nhập môn thiết kế và lập trình Robotics với VEX IQ" cho học sinh Việt Nam ở 63 tỉnh thành phố.
Để có thể thích ứng nhanh với những biến đổi trong bối cảnh dịch bệnh và đặc thù địa lý của Việt Nam, STEAM for Vietnam đã tổ chức theo mô hình OMO (Online Merge Offline - kết hợp lớp học truyền thống và lớp học trực tuyến). Khoá học có nhiều việc liên quan tới logistics, gồm hoạt động phân phối và quản lý phần cứng - các bộ linh kiện robot VEX IQ tới tất cả 63 tỉnh thành để các em học sinh có cơ hội thực hành.
Theo Thu Thảo, cô gái đã từ bỏ "giấc mơ Mỹ" để về Việt Nam tham gia STEAM for Vietnam, nói: "Sau khi tổ chức và hỗ trợ cuộc thi Robotics Competition dự kiến diễn ra vào tháng 7/2021. Dự án sẽ tổ chức Bus Tour xuyên Việt. Xe đi từ cột cờ Lũng Cú tới mũi Cà Mau để "chở STEAM tới muôn nơi" thông qua các hoạt động, như "Một giờ học lập trình" (Hour of code) do chính các giảng viên từ Mỹ cùng tham gia.
Mới đây, STEAM for Vietnam đã hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) nhằm xây dựng các giải pháp học tập trực tuyến được công nhận trên toàn quốc và nền tảng chuyển đổi số cho hệ thống giáo dục Việt Nam.
"STEAM for Vietnam đã huy động nguồn nhân lực tốt nhất để sáng tạo ra nguồn tài liệu học tập cấp tiến, đầy hứng thú, dưới dạng nguồn mở trong các lĩnh vực mà trẻ em gái thường bị bỏ lại phía sau. Việc học tập này liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học. Phương pháp học tập thúc đẩy sự sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và hơn thế nữa" bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam nhận định.
Theo nhà sáng lập Hùng Trần, thế giới đang thay đổi, những khía cạnh cuộc sống liên quan đến công nghệ là không thể tránh khỏi. Trong tương lai, bất kỳ ngành gì, việc gì cũng cần hiểu biết về công nghệ. Nếu STEAM for Vietnam không làm thì chắc chắc sẽ có những tổ chức khác làm. Nhưng điều đặc biệt của dự án là tập hợp được đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đông đảo, đang làm việc tại những tập đoàn, tổ chức toàn cầu về dạy học miễn phí cho trẻ theo theo những phương pháp hiện đại nhất.
"Cả đội ngũ giảng viên và học sinh tham gia đang ngày một lớn và được xã hội quan tâm. Điều này chứng tỏ những gì STEAM for Vietnam đang làm là có giá trị với cộng đồng, thúc đẩy mọi người tiếp tục cống hiến vì một thế hệ trẻ em Việt tài năng, có thể cạnh tranh sòng phẳng với bạn bè cùng trang lứa trên các sân chơi quốc tế trong tương lai", ông Hùng nói.
Khương Nha