Tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 8/6, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất cấp có thẩm quyền nhanh chóng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương. Theo ông, cần thúc đẩy cải tạo chung cư cũ; kiểm soát chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, nhất là trái phiếu riêng lẻ.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải quản lý, ngăn chặn việc tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, không được đầu tư hạ tầng, chưa được phép đầu tư. "Cần hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản...", ông Nghị nói.
Theo lãnh đạo ngành Xây dựng, việc đầu tư, xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương gặp nhiều khó khăn khiến nguồn cung giảm mạnh ở các phân khúc. Số lượng dự án mới thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu cả về nhà thương mại, nhà xã hội, nhà cho công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, trung bình. Trong năm 2021, 172 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, bằng 60% so với năm 2020. Trong quý I/2022, 22 dự án nhà thương mại hoàn thành.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay mới đạt 7,3 triệu m2. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 tương đương 54.000 căn hộ. Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ. Cả nước đang triển khai 339 dự án nhà ở xã hội, nhưng "tốc độ triển khai rất chậm"; trong đó nhà ở công nhân là 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 10.96 triệu m2 với 219.000 căn hộ.
Các dự án này hiện triển khai chậm và mới chỉ khởi động lại gần đây sau gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Trong khi sản phẩm nhà ở phân khúc trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa, thì nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, nhà thương mại giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình, đang bị thiếu "rất gay gắt". "Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở", ông Nghị nói.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch bất động sản "hoạt động thiếu ổn định, có hiệu tượng cấu kết với nhau găm hàng, thổi giá, gây sốt ảo làm nhiễu loạn thị trường; hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường bất động sản tại các địa phương có bất cập.
Tại buổi chất vấn chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách tiền tệ đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, có nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực sự được vay vốn tín dụng để mua, đầu tư nhà ở tự sử dụng, tiêu dùng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ. "Thống đốc có giải pháp chủ yếu như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trên tiếp cận được nguồn vốn?", bà Hà chất vấn.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng khi cho vay có thể có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Các tổ chức tín dụng trong số liệu của hệ thống ngân hàng, có 2,2 triệu tỷ đồng dư nợ bất động sản vào cuối năm 2020, trong đó có tới 65% là cho các nhu cầu mua nhà để ở, mua nhà để sửa chữa nhà và phục vụ cho mục đích tiêu dùng.
Đối với người mua nhà ở có thu nhập thấp, Ngân hàng đang có một số chính sách như thực hiện cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong gói 2% hỗ trợ lãi suất thì cũng có một số người có nhu cầu vay vốn. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có một số chương trình cho vay, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất ở đối với người nghèo, chính sách cũng như đối với bà con dân tộc đồng bào thiểu số và miền núi.
Đại biểu Lê Thanh Vân nói, siết chặt tín dụng với bất động sản có thể khiến thị trường đình trệ, khiến người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị, khó mua nhà giá rẻ hơn như mong muốn. Trong khi đó, mục đích của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác nhau và tín dụng là một kênh tham gia đầu tư bất động sản. Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng nhà nước có chủ trương mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Lĩnh vực bất động sản có rủi ro mất vốn. Để ngăn rủi ro tín dụng, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.
"Còn cho vay với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ", Thống đốc nói.