Ngày nay, hàng triệu công việc sản xuất của Mỹ được chuyển ra nước ngoài và nhiều công ty gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà máy đặt cách xa họ cả nửa vòng Trái Đất. Nhưng điều đó có thể bắt đầu thay đổi.
Covid-19 cho thấy toàn bộ hệ thống này mỏng manh như thế nào. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc buộc phải đóng cửa vì virus bắt đầu lây lan. Nhưng đó không phải là tất cả. Ngay cả khi các nhà máy của Trung Quốc bắt đầu từ từ khởi động lại sản xuất, các công ty phải đối mặt với sự gián đoạn trong vận chuyển từ vận tải đường bộ đến hàng không.
Các chuyên gia sản xuất cho biết thời gian đầu bệnh dịch bùng phát ở Trung Quốc đã cho thấy trong tình huống khó khăn, các nhà máy Mỹ chưa đủ khả năng lấp đầy khoảng trống. Đó cũng là một phần lý do vào đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp củng cố chiến lược "Buy American" (Mua hàng Mỹ), khuyến khích chính phủ liên bang chi ngân sách hàng tỷ USD để mua các hàng hóa có 75% bộ phận được sản xuất trong nước. Ông hy vọng việc thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm của Mỹ sẽ khiến các công ty bắt đầu tái đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ở quê nhà để đáp ứng nhu cầu đó.
Tổng thống Biden không đơn độc trong việc cố gắng giải quyết vấn đề này. CEO Apple Tim Cook vào tháng 4 đã cam kết Apple sẽ chi 430 tỷ USD cho các khoản đầu tư tại Mỹ nhằm tạo ra thêm 20.000 việc làm trong 5 năm tới trong các lĩnh vực mạng không dây 5G, trí tuệ nhân tạo và chip silicon.
Tuy nhiên, vẫn có một giới hạn trong phạm vi ảnh hưởng của sắc lệnh mới. Ngay cả với khoản đầu tư hàng tỷ USD, khó có khả năng Apple và Tim Cook sẽ chọn Mỹ làm nơi sản xuất các sản phẩm chủ chốt của Apple. iPhone, "cỗ máy kiếm tiền" hàng đầu của Apple, rất có thể sẽ tiếp tục được lắp ráp tại các nhà máy ở Trung Quốc trong nhiều năm tới. Các chuyên gia và những người ủng hộ ý tưởng sản xuất iPhone tại Mỹ cho rằng, để tạo ra sự thay đổi, Mỹ sẽ cần phải dành nhiều năm đầu tư vào các công nghệ sản xuất mới đồng thời trợ cấp cho các công ty nhằm bù mức lương và chi phí thấp ở nước ngoài. Mỹ cũng cần phải xây dựng lại hệ thống giáo dục và học nghề để cải thiện nguồn lao động cho công việc sản xuất và thuyết phục mọi người rằng đây là một lĩnh vực nghề nghiệp đáng tham gia.
Chuỗi cung ứng toàn cầu cho các sản phẩm mà người Mỹ yêu thích như điện thoại di động, ôtô, máy tính, tủ lạnh, cũng sẽ cần được đem trở lại các bở biển của Mỹ.
Nhưng có lẽ rào cản lớn nhất đối với ngành sản xuất của Mỹ là người dùng nước này. Mặc dù các cuộc thăm dò "Mua hàng Mỹ" cho kết quả tốt với phần lớn người được hỏi ủng hộ hàng hóa sản xuất trong nước, người dùng Mỹ dường như vẫn tiếp tục mua đồ bất kể nó đến từ đâu.
"Liệu người tiêu dùng có sẵn sàng dành thời gian để tìm kiếm hàng hóa được sản xuất tại Mỹ và mua chúng nhằm cung cấp tín hiệu cho nhà sản xuất? Người tiêu dùng báo hiệu cho nhà sản xuất những gì họ muốn, vì vậy chúng ta nên có trách nhiệm nếu muốn thay đổi diễn ra", Giáo sư Krystyn Van Vliet, Phó giám đốc Viện Công nghệ Massachusetts, nói.
Chiến lược 'Mua hàng Mỹ'
Nhiều thập kỷ trước, các công ty sản xuất xe hơi, thuốc và đồ chơi đều chế tạo sản phẩm ở Mỹ. Nhưng ngày nay, trong tủ quần áo của hầu hết các hộ gia đình Mỹ đều xuất hiện sản phẩm đến từ các quốc gia như Việt Nam, Bangladesh hoặc Colombia. Những món đồ chơi của Mattel cũng được sản xuất ở Trung Quốc, Indonesia và Mexico.
Trong ngành công nghệ, khi các tiện ích và thiết bị thông minh ngày càng trở nên tiên tiến và gắn liền với cuộc sống của con người, nó đã biến thành một mạng lưới rộng khắp gồm các nhà cung cấp và nhà sản xuất trên toàn thế giới. Khoáng sản khai thác từ các mỏ ở châu Phi, Australia, Nam Mỹ và Mỹ được đưa đi khắp thế giới để nấu chảy, xử lý và tạo thành các vi mạch, cảm biến, pin và nhiều loại linh kiện đặc biệt.
Tất cả điều đó dường như hoạt động rất trơn tru cho đến khi đại dịch nổ ra. Các nhà máy ngừng hoạt động khắp châu Á dẫn đến khủng hoảng trong ngành ôtô, nhiều loại thuốc và thậm chí cả tỏi cũng rơi vào tình trạng khan hiếm. Và ngay cả Apple, vốn nổi tiếng là một trong những công ty có chuỗi cung ứng phức tạp nhất trên thế giới, cảnh báo rằng tình trạng thiếu linh kiện đang hạn chế số lượng iPad và máy tính Mac có thể xuất xưởng.
Sản xuất nhiều sản phẩm hơn ở Mỹ là một ý tưởng mà tổng thống của cả hai đảng từ lâu đã cố gắng thúc đẩy. Cựu Tổng thống Donald Trump với sự ủng hộ của các bang mạnh về sản xuất như Pennsylvania, Ohio, Michigan và Wisconsin, từng hứa sẽ mang công ăn việc làm về Mỹ. Một số công việc thực sự đã quay trở lại Mỹ trong suốt 4 năm ông ấy tại vị, nhưng với tốc độ tương tự thời chính quyền Barack Obama.
Biden hy vọng sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn những người tiền nhiệm bằng cách thành lập một nhóm chuyên biệt về chương trình "Buy American" trong Văn phòng Quản lý và Ngân sách.
Mặc dù có khả năng sản xuất một số sản phẩm cao cấp trong nước, việc sử dụng những hàng hóa thiết yếu hàng ngày hoàn toàn do Mỹ sản xuất không phải là điều dễ dàng. Rất nhiều thứ không còn được sản xuất trong một thị trấn hoặc nhà máy duy nhất. Thay vào đó, nó được lắp ráp từ các bộ phận được tập hợp lại từ khắp nơi trên thế giới. Điều này đặc biệt chính xấc với bất kỳ thứ gì có pin hoặc vi mạch ở trong.
Thay đổi do đại dịch
Lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã có một loạt tin tốt trong vài năm gần đây. Công việc sản xuất đã ổn định trở lại kể từ cuối năm 2009, năm đầu tiên Obama làm tổng thống. Theo dữ liệu từ Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ, doanh thu từ ngành này đã tăng khoảng 50% so với thời điểm trước đó, đạt hơn 6 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, quy mô của lĩnh vực sản xuất vẫn chưa bằng mức đỉnh là 19,5 triệu việc làm vào năm 1979. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thập kỷ sau năm 2000, mất đi hơn 5 triệu việc làm. Ngành sản xuất của Mỹ đã giảm xuống còn 11,4 triệu việc làm trong thời kỳ đại suy thoái và một lần nữa trong đại dịch Covid-19, đánh dấu mức tổng việc làm thấp nhất kể từ trước Thế chiến thứ hai.
Giờ đây, đại dịch và các vấn đề với chuỗi cung ứng toàn cầu có thể giúp thuyết phục các công ty đầu tư trở lại Mỹ. Ba trong số các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, Intel, TSMC và Samsung, đã cam kết đầu tư tổng cộng khoảng 42 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip mới có trụ sở tại Mỹ ở Arizona và Texas.
Nhà sản xuất công cụ Stanley Black & Decker cho biết đang trong quá trình mở một nhà máy mới trị giá 90 triệu USD ở Texas, sử dụng kết hợp giữa tự động hóa và lao động có tay nghề cao nhằm duy trì chi phí sản xuất cạnh tranh với sản phẩm từ Trung Quốc.
Sudhi Bangalore, giám đốc công nghệ và trưởng bộ phận sản xuất thông minh của Stanley Black & Decker, cho biết: "Chúng tôi coi sản xuất là một lợi thế lớn. Công ty đang đầu tư quỹ nghiên cứu và phát triển vào lĩnh vực tự động hóa, robot hỗ trợ quá trình sản xuất và in 3D. Cuối cùng, Black & Decker hy vọng 60% sản phẩm ở Bắc Mỹ sẽ được sản xuất tại đây, tăng từ khoảng 45% hiện nay".
Ông cho rằng mọi người cũng cần phải bắt đầu khuyến khích con cái làm việc trong lĩnh vực này. Và những người đã làm việc trong ngành có thể sẽ cần phải đào tạo lại, áp dụng các kỹ năng từ loại công việc này sang loại công việc khác.
Bangalore nói thêm: "Bạn phải tin rằng có điều gì đó khiến thế hệ mới phấn khích tham gia vào lĩnh vực sản xuất. Bạn phải cho các ông bố bà mẹ thấy đây có thể là một nơi thú vị".
Về phần mình, Apple đã đưa ra cam kết trị giá 430 tỷ USD dành cho các lĩnh vực như sản xuất chip và công nghệ không dây 5G. Một trong những khoản đầu tư đó là thông qua Quỹ Sản xuất Tiên tiến, trao 450 triệu USD cho Corning, nhà sản xuất kính có trụ sở tại Kentucky. Corning gần đây đã giúp Apple sản xuất mặt kính Ceramic Shield chống xước cho iPhone 12.
Apple cũng đã đem dây chuyền sản xuất máy tính Mac trở lại Mỹ vào năm 2019. Tuy nhiên, máy tính Mac chỉ chiếm 10% doanh số của Apple vào năm ngoái, thậm chí Mac Pro mạnh mẽ, được thiết kế cho đồ họa chuyên nghiệp, chỉnh sửa âm thanh và video, không nằm trong số những máy tính bán chạy nhất.
Trước khi chiếc Mac đầu tiên được bán vào tháng 12, Tim Cook đã đưa Tổng thống Trump đi tham quan cơ sở Texas. Tổng thống Trump đã bị ấn tượng mạnh. "Tôi luôn nói về Apple, rằng tôi muốn thấy Apple xây dựng các nhà máy ở Mỹ. Và đó là những gì đang xảy ra", Trump nói.
CEO Apple và Trump cũng chụp hình bên cạnh tấm kim loại mặt sau của mọi máy tính Mac Pro. Nhưng lần này nó được khắc: "Được thiết kế bởi Apple ở California. Được lắp ráp tại Mỹ".
Đăng Thiên (theo Cnet)