Vở được cảm tác từ truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, bám sát nguyên tác văn học song thay đổi, bổ sung một số chi tiết. Lần đầu tiên, chuyện tình Chí Phèo - Thị Nở được thể hiện trên sân khấu nhạc kịch, với đa số câu thoại là lời hát của diễn viên. Phần vũ đạo cũng được chú trọng, làm nổi bật tinh thần nhạc kịch.
Tác phẩm nhấn mạnh thông điệp ''được làm người bình thường'', đồng thời khai thác yếu tố lãng mạn trong chuyện tình của Chí Phèo, Thị Nở. Khoảnh khắc gặp nhau, hai người dành những cử chỉ nhẹ nhàng, không vồ vập. Trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao, nhân vật Thị Nở vốn có diện mạo xấu xí, tính cách dở hơi nhưng trong vở diễn, cô trở nên duyên dáng hơn với từng chuyển động cơ thể.
Lúc Chí Phèo và Thị Nở nên duyên, hai người cùng hát: ''Chúng ta muốn là người bình thường, chỉ đơn giản là người bình thường. Ai cũng muốn được yêu thương''. Khác với nguyên tác, nhạc kịch sáng tạo đoạn kết mới, giả tưởng một thế giới chỉ có điều tốt và những người thiện lương. Lúc này, Chí Phèo đã hạnh phúc bên Thị Nở và con trai, lão Bá Kiến cũng không còn tàn ác, bóc lột dân làng như xưa.
Vở diễn ghi điểm nhờ phần dàn dựng sân khấu và sử dụng ánh sáng. Khi Bá Kiến (Bá Nguyễn đóng) nghe nguyện vọng làm người tốt của Chí Phèo, hắn nổi cơn thịnh nộ, diện mạo cũng thay đổi như một con quỷ dữ. Không gian được bao trùm bởi màu đỏ, âm thanh dồn dập cùng nhóm người dùng dây buộc quanh đầu Chí Phèo để uy hiếp. Hay trong phần múa lụa, êkíp chiếu các tia laser xanh lam và xanh lục quanh khán phòng, khiến người xem như đang bước vào một không gian huyền ảo.
19 ca khúc mới trong vở kịch do Dương Cầm phổ nhạc, dựa theo lời thoại của Đinh Tiến Dũng viết. Nhạc sĩ sử dụng nhiều thể loại nhạc hiện đại như pop, rock, swing, kết hợp chất liệu âm nhạc dân tộc như hát xẩm, tuồng. Trong Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, đợt 1 năm 2024, anh được vinh danh là Nhạc sĩ xuất sắc.
Dàn diễn viên được đánh giá cao, nổi bật là Hoàng Thái Phương - con gái nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền - vai Thị Nở. Theo nhạc sĩ Dương Cầm, cô trúng casting do ''có nét hồn nhiên, lại mang chất 'điên' phù hợp nhân vật''. Lần đầu đóng nhạc kịch, Thái Phương áp lực khi phải kết hợp các kỹ năng diễn xuất, ca hát, múa. Cô nghiên cứu kỹ phim Làng Vũ Đại ngày ấy (1982) của đạo diễn Phạm Văn Khoa để hiểu nhân vật, nắm bắt cảm xúc. Quá trình nhập vai, Thái Phương được nhạc sĩ Dương Cầm, ca sĩ Tấn Minh và bạn diễn Đông Hùng hỗ trợ.
Đỗ Quyên, 24 tuổi, Hà Nội, cho biết được chạm đến cảm xúc khi theo dõi sự kết hợp hòa quyện giữa âm thanh, ánh sáng và giọng hát của các nghệ sĩ. Khán giả ấn tượng chi tiết Chí Phèo ân ái Thị Nở. ''Cảnh múa minh họa mang tính nghệ thuật, thể hiện tình yêu mãnh liệt'', khán giả nói.
Còn Anh Thư, 24 tuổi, Hà Nội đánh giá cao những bài hát trong nhạc kịch, nhận xét ca từ đẹp, truyền tải trọn vẹn nội dung tác phẩm gốc. Tuy nhiên, tác phẩm còn hạn chế ở mặt âm lượng nhạc nền và micro của diễn viên. Đôi lúc, người xem không nghe rõ các câu thoại do phần nhạc quá lớn.
Truyện ngắn Chí Phèo được nhà văn Nam Cao viết vào tháng 2/1941. Lúc đầu, tác phẩm có tên Cái lò gạch cũ, sau đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Khi in lại trong tập Luống cày do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản năm 1946, tác giả đặt thành Chí Phèo. Khắc họa hình ảnh người nông dân lưu manh nhưng Nam Cao không bôi nhọ mà đi sâu vào đời sống tâm hồn, khai phá nhân phẩm đẹp của nhân vật trong bối cảnh xã hội cũ.
Diễn biến truyện từng được thể hiện trên phim Làng Vũ Đại ngày ấy - một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20. Năm 2020, sân khấu Lệ Ngọc dựng vở Thị Nở - Chí Phèo, bán sạch vé trước ngày diễn.
Nhà văn Nam Cao (1915-1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bút danh ông được ghép từ hai chữ đầu của địa danh Nam Sang và Cao Đà. Ông là tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam trong thế kỷ 20. Nhiều tác phẩm của nhà văn được gọi là chuẩn mực của thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết như Đời thừa, Một đám cưới, Sống mòn.
Phương Linh