Những hình ảnh ấy làm tôi nhớ lại một người đàn ông. “Nước cho người có thể thiếu nhưng không thể để cừu khát”, nước da đỏ, đôi mắt sâu và đen giữa vòng nếp nhăn, người đàn ông ngoài 50 nheo mắt nhìn biển nắng. Lẽ ra đã là mùa mưa, nhưng khi đó Ninh Thuận vẫn khô hạn.
Tôi gặp ông vào một mùa tết Kate gần đây, tết của người Chăm, tháng 9. Ông để râu, mặc áo trắng, quấn khăn trắng trên đầu như mọi đàn ông trong vùng. Họ mang cừu, gà và vật phẩm cúng tại các tháp Chăm.
Người nuôi cừu ở Ninh Thuận hầu hết là người Chăm, đàn 5-10 đến hàng chục con tùy mỗi gia đình. Cừu là một vật cúng không thể thiếu, cũng là món ăn chính trong Tết Chăm.
Tháng Tư năm nào cũng vậy, những cơn mưa thưa dần, những con suối bắt đầu cạn. Ao hồ, giếng khơi khô cong, người Ninh Thuận lại bắt đầu mùa đi “săn” nước.
Người Raglai ở Bác Ái lần sâu theo những con suối trong rừng, người Chăm và người Kinh ở hạ du thì khoan sâu thêm những giếng nước ngầm vùng ven biển. Họ có thể giải quyết được nhu cầu tạm thời, nhưng giá thành và công sức bỏ ra không hề ít. Hệ lụy lớn hơn là càng khoan giếng sâu hơn, nước ngầm ngày càng cạn kiệt, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn nhiều hơn. Cứ thế, năm nào chuyện nước cũng là chuyện lớn.
Ở nơi ấy, đàn dê trắng không còn nhởn nhơ quanh đồi, và những mái tranh nghèo không còn yên vui như lời bài hát của Trần Tiến về vùng đất của người Raglai hơn 20 năm về trước. Họ đã sống, không mùa đông, không mùa nắng mưa, chỉ có một mùa hạn khô dày vò.
Tôi đã lang thang hầu hết các ngóc ngách của Ninh Thuận suốt 10 năm qua. Ninh Thuận đã hạn khô từ thời đó chứ không đợi đến bây giờ. Hầu hết mọi vùng của Ninh Thuận đều thiếu nước do thiếu hụt lượng mưa và thừa nắng, gió. Lượng mưa trung bình của Ninh Thuận chỉ vào khoảng 700-800mm/năm, chỉ bằng 1/3 lượng mưa trung bình chung của cả nước.
Vào mùa khô, đi từ Bắc Ái xuống An Hải hay từ Cà Ná ra Thuận Bắc, đâu đâu cũng một màu nâu bạc đến đau lòng của đất khô. Lác đác những vườn nho cằn cỗi còn vài mẩu xanh chẳng thể an ủi nổi sự bất lực của những cánh đồng ngô màu cỏ úa, chực bốc cháy nếu có mồi lửa lại gần.
Chục năm trước, người Ninh Thuận vẫn thích nghi được với khô hạn vì họ còn tài nguyên nước là những dòng suối chảy quanh năm từ vườn quốc gia Phước Bình xuống thung lũng của người Raglai. Họ cũng có con sông Dinh bắt nguồn từ dãy núi cao E Lâm Thông cung cấp nguồn nước cho các vùng hạ du mùa hạn.
Nhưng giờ nhìn lại, rừng đã mất và suối thì cạn khô. Cuối năm 2015 đầu năm 2016, Ninh Thuận đối diện với một đợt hạn dài khốc liệt đến mức Chính phủ phải cứu đói trong nhiều tháng liền. Tiền nước sinh hoạt có nơi lên đến 100.000 đồng/mét khối, cao hơn 10 lần so với tại đô thị. Đó là một cuộc khủng hoảng chứ không chỉ đơn thuần là một đợt hạn.
Không chỉ riêng Ninh Thuận, mà cả đất nước Việt Nam đã và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước trong tương lai không xa. Chúng ta vốn dĩ không phải là một quốc gia thiếu nước nhưng chúng ta đang phải đối diện với thực tế thiếu nước sạch, thừa nước lũ, thừa nước ô nhiễm. Chúng ta vừa phải đối diện với hạn hán và vừa phải ứng phó với lũ lụt ngay trên cùng một địa bàn nhỏ.
Đợt hạn hán kéo dài từ năm 2015 đến đầu năm 2016 trên phạm vi 18 tỉnh thành từ miền Trung, đến Tây Nguyên và Đồng Bằng Sông Cửu Long cho chúng ta nhìn thấy một bức tranh bao quát về vấn đề khủng hoảng nguồn nước. Sự suy giảm chất lượng nguồn nước từ các dòng sông cũng làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân ở khắp mọi miền của đất nước đang diễn ra hàng ngày.
Hầu hết các hệ thống sông ngòi ở miền Trung là những sông ngắn và dốc. Hệ thống sông ngòi này chỉ có thể giữ được nước khi chúng ta giữ được rừng. Thực tế, rừng bị tàn phá, bị chuyển đổi mục đích sử dụng và bị làm nghèo đi dẫn đến mất chức năng cân bằng tự nhiên vốn có của nó. Việc can thiệp thô bạo của các dự án thủy điện, các dự án phá rừng tự nhiên trồng rừng sản xuất đang gây ra hệ lụy nhãn tiền. Đó là, ngay sau lũ lụt là các dòng sông và ao hồ trơ đáy.
Chúng ta vẫn thường nghe những nghị quyết, các diễn văn tổng kết ngành về những chỉ tiêu chính trị phải đạt diện tích gieo trồng bao nhiêu hecta mỗi năm. Những chỉ tiêu đó đang đóng khung người dân trong các mô hình đất lúa, đất rau màu của mình. Ở Ninh Thuận, hầu hết các cánh đồng đều áp dụng phương pháp tưới tràn, tốc độ bốc hơi nước cao nên hầu như tưới nước ướt đất buổi sáng, chiều đã khô rang. Bởi vậy mà lượng nước thất thoát khá nhiều do chính lối canh tác phụ thuộc nguồn nước của hệ thống nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Chuyện này còn diễn ra nhiều nơi khác.
Israel đã trở thành quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến bậc nhất thế giới mặc dù hơn 60% diện tích của họ phủ sa mạc, chỉ khoảng 2% diện tích là mặt nước. Họ làm được những điều “điên rồ” đó nhờ cuộc cách mạng về nước sạch. Người Israel phát minh ra những kỹ thuật kiểm soát nước không tưởng vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước và được áp dụng hiệu quả như tưới nhỏ giọt, tưới dưỡng chất, khử nước mặn và tái sử dụng nước thải.
Và quan trọng nhất, họ ý thức được rằng: Nước không phải là thứ miễn phí, càng không phải tài nguyên vô hạn.
Con đường thoát hạn của Việt Nam sẽ bắt đầu từ đâu trong tư duy quản trị nguồn nước?
Nguyễn Ngọc Huy