Chiều 5/8, giá yen Nhật có thời điểm tăng 2,3% so với đôla Mỹ, lên 142,2 JPY một USD. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1. Xu hướng mạnh lên của yen Nhật bắt đầu từ tháng 7 và tăng tốc từ tuần trước.
Một tháng qua, giá yen tăng 8% so với USD. Nguyên nhân là giới chức Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ và khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản bắt đầu thu hẹp. Hôm 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nâng lãi tham chiếu lần thứ hai trong năm, lên quanh 0,25%, từ mức 0-0,1% trước đó. Cơ quan này cũng ra tín hiệu tiếp tục tăng lãi nếu nền kinh tế diễn biến đúng kỳ vọng.
Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo giảm lãi suất trong tháng 9. Thị trường đang đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) trong phiên họp tháng 9. "Tôi cho rằng thế là quá nhiều. Kinh tế Mỹ đang phát tín hiệu chậm lại, nhưng không tệ đến vậy", Masafumi Yamamoto - chiến lược gia tiền tệ tại công ty chứng khoán Mizuho nhận định trên Reuters.
Các nhà phân tích tại Barclays cho rằng yen đang bị mua vào quá mạnh. Trong khi đó, Yamamoto cho biết theo biểu đồ kỹ thuật, yen sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lãi suất tại Nhật Bản duy trì ở mức thấp gần 20 năm, khiến yen từng là mục tiêu lý tưởng cho hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ). Đây là giao dịch đi vay bằng tiền tệ có lãi suất thấp, sau đó bán ra để mua tiền tệ lãi suất cao hơn. Số tiền này sau đó có thể được gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư.
Tuy nhiên, khi Nhật Bản đã nâng lãi suất 2 lần năm nay, và Mỹ, châu Âu bắt đầu giảm lãi, "nhà đầu tư chịu sức ép bán các tài sản khác để trả nợ khoản vay bằng yen Nhật", Russell Napier - đồng sáng lập của hãng nghiên cứu ERIC - giải thích trên CNBC. Điều này khiến yen tăng giá, đồng thời châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán, tiền số toàn cầu vài ngày qua.
Ngoài yen Nhật, nhiều yếu tố khác cũng đang tác động đến thị trường tài chính toàn cầu. Số liệu công bố cuối tuần trước cho thấy thị trường việc làm Mỹ trong tháng 7 không mạnh như kỳ vọng. Báo cáo lợi nhuận của nhiều đại gia công nghệ Mỹ cũng không đạt dự báo của thị trường. Lo ngại về sức khỏe của Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhì thế giới cũng đang lên cao.
Dollar Index - đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện giảm 0,4%. Franc Thụy Sĩ hôm nay tăng hơn 1%, lên 0,84 franc một đôla Mỹ. Euro cũng tăng 0,2%. Hiện một EUR đổi được 1,09 USD.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)