Phiên 12/7, giá yen có thời điểm tăng gần 1% so với đôla Mỹ, chạm 157,3 JPY một USD - mạnh nhất kể từ ngày 17/6. Trước đó, giá yen vẫn dao động quanh đáy 38 năm, tại 161 JPY một USD.
Yen tăng giá từ phiên 11/7, sau khi Mỹ công bố Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 bất ngờ hạ nhiệt. Việc này làm tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất từ tháng 9. USD đã yếu đi sau báo cáo này.
Phiên 12/7, yen Nhật tiếp tục tăng sau khi Mỹ công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) chỉ tăng nhẹ trong tháng 6.
Dù vậy, James Malcolm - Giám đốc Chiến lược Ngoại hối tại UBS - cho rằng diễn biến hôm 12/7 có thể là kết quả của một đợt can thiệp từ giới chức Nhật Bản. "Họ cần thay đổi cách thức để kiểm soát thị trường và cho nhà đầu tư thấy họ thật sự nghiêm túc", ông nhận định.
Hôm 12/7, số liệu công bố hàng ngày của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho thấy cơ quan này có thể đã chi 3.370-3.570 tỷ yen (21,1-22 tỷ USD) để mua yen trong phiên 11/7. Lần cuối cùng họ can thiệp vào thị trường là cuối tháng 4. Khi đó, họ chi 9.800 tỷ yen (61,5 tỷ USD) để hỗ trợ nội tệ.
Tuy nhiên, yen Nhật sau đó còn xuống thấp hơn, chạm đáy 38 năm tại 161,9 JPY một USD tuần trước. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là khoảng cách lên tới 5% giữa lãi suất tham chiếu Mỹ và Nhật Bản.
Việc này khiến yen trở thành mục tiêu lý tưởng cho hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ). Đây là giao dịch đi vay bằng tiền tệ có lãi suất thấp, sau đó bán ra để mua tiền tệ lãi suất cao hơn. Số tiền này sau đó có thể được gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư.
Tình hình có thể cải thiện nếu Fed sớm giảm lãi suất. Nhà đầu tư hiện dự báo khả năng Fed giảm lãi tháng 9 là 96%.
Quan chức tiền tệ hàng đầu Nhật Bản - Masato Kanda - hôm 12/7 cho biết giới chức sẽ hành động khi cần thiết. Dù vậy, ông từ chối bình luận liệu họ đã can thiệp hay chưa. Cuối tháng này, Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ có báo cáo tháng, giúp nhà đầu tư xác nhận việc này.
Hà Thu (theo Reuters)