Chiều 3/7, giá yen giảm 0,2% so với USD, về 1 đôla Mỹ đổi 161,87 yen. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/1986.
So với euro, yen cũng xuống thấp kỷ lục. Hiện 1 EUR đổi được 173,8 JPY.
USD hôm nay đảo chiều tăng giá sau khi mất đà phiên trước đó. Euro được hỗ trợ nhờ báo cáo lạm phát hôm 2/7, cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới giảm lãi suất.
Trong khi đó, giới chức Nhật Bản tuần này chưa có động thái can thiệp vào thị trường. Hôm 2/7, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki bình luận rằng họ đang theo sát diễn biến đồng nội tệ. Ông cũng không nhắc lại cảnh báo thường thấy của giới chức nước này, rằng Bộ Tài chính sẵn sàng hành động.
Đầu tuần này, Nhật Bản chỉ định ông Atsushi Mimura thay ông Masato Kanda phụ trách các vấn đề tiền tệ tại Bộ Tài chính. Kanda là người đứng sau đợt can thiệp trị giá 9.800 tỷ yen (60,6 tỷ USD) cuối tháng 4, đầu tháng 5. Khi đó, mỗi USD đổi được 160,8 yen.
"Có vẻ thị trường đã quá kỳ vọng vào việc Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ hành động. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Giới chức có lẽ đang thử nghiệm điều gì đó", Bart Wakabayashi - Giám đốc chi nhánh ngân hàng State Street tại Tokyo nhận định.
Một số cho rằng giới chức có thể can thiệp vào ngày 4/7 - khi thanh khoản trên thị trường mỏng do Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Dù vậy, việc can thiệp có thể mang lại hiệu quả hạn chế. Lý do chính khiến yen mất giá thời gian qua là chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nước phát triển khác. Giữa tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức 0-0,1%. Trong khi đó, mức lãi ở Mỹ hiện trên 5%.
Hà Thu (theo Reuters)