Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, bốn tháng đầu năm, bên cạnh các nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh về lượng và giá trị, vẫn có nhiều nhóm tăng đột biến.
Đứng đầu là mặt hàng cà phê khi bốn tháng đầu năm xuất khẩu đạt 752.000 tấn và 1,68 tỷ USD, tăng 28,4% về khối lượng và 59,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm là 2.229 USD một tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ 2021. Đức, Bỉ và Italy là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu năm với thị phần lần lượt 12,6%, 10,4% và 7,2%.
Tương tự, với nhóm thủy hải sản, bốn tháng đầu năm xuất khẩu 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ 2021. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng đầu của nhóm này.
Trong nhóm thủy sản hải, cá tra và tôm có mức tăng trưởng mạnh nhất. Xuất khẩu cá tra bốn tháng đầu năm là 894 triệu USD, tăng 89,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tôm, lũy kế bốn tháng, giá trị xuất khẩu đạt 1.339 triệu USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2021. Cả hai mặt hàng này có giá xuất khẩu bình quân đều tăng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân khiến giá xuất khẩu nông thuỷ sản tăng cao là nguyên liệu đầu vào liên tục lập đỉnh mới nên giá trung bình xuất khẩu sản phẩm thủy sản đông lạnh tăng mạnh. Những tháng đầu năm, giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu trung bình đạt 3,2-4,5 USD một kg. Giá này cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019 (giá cá tra xuất đi Trung Quốc tăng gần gấp đôi).
Không đồng loạt tăng trưởng cả lượng và giá trị như hai nhóm trên nhưng hạt tiêu cũng là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng đột biến so với cùng kỳ. Bốn tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 79.000 tấn và 367 triệu USD, giảm 15,5% về khối lượng nhưng tăng 29,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm đạt 4.664 USD một tấn, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong quý I là Mỹ, Ấn Độ và Đức (chiếm 43,5% thị phần).
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo giá xuất khẩu các nhóm nông sản này sẽ còn tăng khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới lên cao. Nhất là với nhóm hải sản, Trung Quốc, Mỹ là hai thị trường trọng điểm tăng mua.
Từ tháng 4, Trung Quốc thực hiện phong toả nhiều thành phố khiến hoạt động giao thương và khai thác thủy hải sản của nước này giảm. Trong khi đó, nhu cầu tích trữ của người dân đòi hỏi cao nên nước này khuyến khích tăng nhập hải sản.
Với nhóm cà phê, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 giảm 8,5 triệu bao (tương ứng giảm 4,8%) so với niên vụ trước đó, xuống còn 167,5 triệu bao (loại 60 kg một pound). Do đó, khi nhu cầu cao mà nguồn cung giảm sẽ đẩy giá sản phẩm này đi lên trong thời gian tới.
Hồng Châu