Nằm biệt lập như một cù lao tại huyện Bình Chánh, cách trung tâm TP HCM gần 20 km, Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) làm chủ đầu tư. Nó vốn được quy hoạch làm khu dự trữ chiến lược và chỉ xử lý rác cho vùng Nam Sài Gòn với công suất nhỏ. Tuy nhiên, hiện Đa Phước xử lý đến 5.000 tấn một ngày, chiếm khoảng 70% lượng rác của thành phố.
Lúc đầu, TP HCM chi trả 16,4 USD cho VWS xử lý một tấn rác, sau tăng lên hơn 19 USD, đến cuối năm 2014 là 20,166 USD và hiện là 21,1 USD. Trước đó, tại thời điểm thực hiện dự án, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã cho rằng thành phố trả phí xử lý rác cho VWS cao hơn giá một tập đoàn của Mỹ (được cấp phép trước đó tại Việt Nam) đến 9 USD một tấn.
Trong kết luận của Thanh tra TP HCM hồi cuối tháng 1, giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3 USD) so với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố. Với đơn giá này, chỉ tính riêng việc chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp (đã được UBND TP HCM quyết định đóng cửa) về Đa Phước từ đầu năm 2015, mỗi năm ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng.
Với mức chênh lệch giá như trên, giới chuyên gia về môi trường tính toán, TP HCM đang cho VWS xử lý 5.000 tấn mỗi ngày, tức là mỗi năm phải chi nhiều hơn cho công ty này 3 triệu USD "và việc đó đã kéo dài gần chục năm nay là điều vô lý".
Theo Thanh tra thành phố, cùng hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng Đa Phước có cơ sở xây dựng giá và điều chỉnh tăng giá không giống với những đơn vị khác. Cơ sở xác định giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi ký hợp đồng với VWS căn cứ vào "tổng chi phí đầu tư thực tế" của công ty này nhưng cho đến nay "không thể biết được chi phí đầu tư của VWS".
Về vấn đề này, hồi tháng 2/2015, ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - (thời điểm đó là Phó chủ tịch UBND TP HCM) có văn bản khẩn giao Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất các phương án đấu thầu, xử lý rác nhằm điều chỉnh giá của Đa Phước về mức hợp lý, tiết kiệm ngân sách cho thành phố và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Ông Hà cho rằng, việc thành phố thoả thuận giá xử lý rác với VWS tại Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước là không đúng với Luật Cạnh tranh bởi "các sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước ấn định giá".
"Giá xử lý rác cao đem lại lợi nhuận hàng năm của công ty VWS 25-40%, cao hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp khác hoạt động cùng lĩnh vực. Chẳng hạn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 3%/năm. Đây là bất hợp lý, cần được giải quyết kịp thời để tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo hoạt động công ích là phục vụ người dân, không phải lĩnh vực kinh doanh kiếm lợi nhuận cao", văn bản nêu.
Tuy nhiên, tại cuộc họp cuối tháng 3, lý giải việc giá xử lý rác tại Đa Phước cao nhất so với các công ty khác, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng, do Đa Phước là dự án của doanh nghiệp tư nhân nên giá được tính đầy đủ các chi phí, kể cả chi phí vận hành sau khi bãi rác đóng cửa (trong vòng 24 năm). Còn doanh nghiệp Nhà nước xử lý rác các chi phí có thể tính ở mức độ chưa đầy đủ hoặc thiếu.
"Giai đoạn đấu giá rác xử lý ở Đa Phước có cao hơn nhưng hiện gần như tiệm cận với các đơn vị xử lý khác. Mặt khác, UBND thành phố khống chế mức tăng giá xử lý rác ở Đa Phước theo chỉ số giá tiêu dùng. Nếu CPI tăng trên dưới 3% thì giá xử lý rác chỉ tăng ở mức 3% thôi", ông Hoan nói.
Bất cập về giá xử lý rác của Đa Phước một lần nữa lại được nhắc đến hồi tháng 8 khi Thường vụ Thành ủy và UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét lại (giá khởi đầu 16,4 USD/tấn) đã bao hàm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ so với thực tế khối lượng rác đang chôn lấp.
Dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước được thành lập theo chỉ đạo của Thành ủy TP HCM và Thường trực UBND TP HCM thời điểm năm 2002. Trong khi đó Khu xử lý rác Tam Tân (nay là Khu Phước Hiệp) là công trình trọng điểm, chiến lược của thành phố. Tuy nhiên, các nhiệm kỳ lãnh đạo tiếp theo, TP HCM đã thuyết phục trung ương để dồn rác dần về Đa Phước và muốn đóng cửa bãi rác Phước Hiệp do gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư vào Khu đô thị Tây Bắc gần đó.
Bãi rác Đa Phước là một trong 3 "nghi phạm" được Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ ra là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.
Hữu Nguyên