Giá xét nghiệm mới được Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm nCoV, ban hành ngày 8/11, hiệu lực từ ngày 10/11.
Giá dịch vụ xét nghiệm nCoV bao gồm: Chi phí trực tiếp của việc lấy mẫu, bảo quản mẫu, trả kết quả xét nghiệm; Chi phí tiền lương; Chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Do sinh phẩm hóa chất có dải giá rộng và biến động khi diễn biến dịch bệnh phức tạp, chi phí test xét nghiệm thực hiện "thực thanh, thực chi" theo loại test đã sử dụng và theo kết quả đấu thầu. Tuy nhiên để quản lý giá, thông tư quy định mức tối đa dịch vụ xét nghiệm bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm mà cơ sở y tế được thu và thanh toán.
Trường hợp chi phí xét nghiệm cao hơn tổng mức được thanh toán, cơ sở y tế được quyết toán phần chênh lệch thiếu vào nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị.
Với test nhanh, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm. Mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm.
Ví dụ, giá gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương của đơn vị theo mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là 16.400 đồng/xét nghiệm. Chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo kết quả đấu thầu của đơn vị là 50.000 đồng/test. Như vậy, tổng chi phí thực hiện dịch vụ test nhanh là 66.400 đồng/xét nghiệm.
Đơn vị y tế thu của người xét nghiệm, thanh toán với Quỹ bảo hiểm y tế (theo tỷ lệ), thanh toán với ngân sách nhà nước là 66.400 đồng/xét nghiệm (không được thu và thanh toán theo mức tối đa 109.700 đồng/xét nghiệm).
Trường hợp chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo kết quả đấu thầu của đơn vị là 100.000 đồng/test. Tổng chi phí thực hiện dịch vụ test nhanh sẽ là 116.400 đồng/xét nghiệm. Tuy nhiên, đơn vị chỉ được thu của người bệnh, thanh toán với Quỹ bảo hiểm y tế (theo tỷ lệ), thanh toán với ngân sách nhà nước theo mức giá là 109.700 đồng/xét nghiệm; còn 6.700 đồng được quyết toán vào nguồn kinh phí đã giao tự chủ và nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị.
Với xét nghiệm RT-PCR, trường hợp mẫu đơn, giá dịch vụ cũng bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm. Mức thanh toán tối đa không quá 518.400 đồng/xét nghiệm. Trường hợp gộp mẫu, sinh phẩm xét nghiệm được chia đều theo số mẫu gộp.
Trước ngày 1/7, giá xét nghiệm Real-time PCR được Bộ Y tế quy định là 734.000 đồng/mẫu; test nhanh 238.000 đồng/mẫu. Như vậy mức giá mới này, chi phí test nhanh thấp hơn một nửa so với giá cũ.
Cùng với quy định giá dịch vụ xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở y tế trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tăng giá dịch vụ xét nghiệm bất hợp lý.
Thông tư này ban hành sau khi Bộ Y tế lấy ý kiến góp ý từ cuối tháng 9, dự kiến áp dụng từ ngày 1/11, nay là chậm 10 ngày.
Thông tư áp dụng trong 3 trường hợp gồm: Thanh toán chi phí xét nghiệm nCoV theo quy định về bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ xét nghiệm nCoV tự chi trả; các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Thông tư không áp dụng đối với trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm nCoV tại cộng đồng do ngân sách nhà nước chi trả.
Bộ Y tế đánh giá thông tư về giá dịch vụ xét nghiệm nCoV cùng với dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế "sẽ điều chỉnh, quản lý tốt hơn về giá xét nghiệm nCoV, giúp tiết kiệm hơn cho cơ sở y tế cũng như người dân, đồng thời kiểm soát được chất lượng sinh phẩm xét nghiệm".
Trả lời VnExpress, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, vừa qua, bối cảnh dịch bệnh bùng phát đòi hỏi áp lực rất lớn về sinh phẩm xét nghiệm, trong khi nguồn cung trong nước chưa chủ động được. Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra một số biện pháp giảm giá kit xét nghiệm, như tăng nhanh cấp phép các bộ kit mới để cạnh tranh. Hiện 131 trang thiết bị phục vụ xét nghiệm được cấp phép. Bộ đã có văn bản đề nghị tất cả doanh nghiệp hạ giá dịch vụ.
Bộ Y tế cũng đang đưa danh mục trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm vào quản lý, kê khai giá, gồm giá nhập khẩu, dụng cụ vật tư tiêu hao đi kèm, phí bảo trì bảo dưỡng và giá bán cuối cùng.
"Bộ Y tế liên thông với cơ quan thuế để kiểm soát giá sinh phẩm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào mặt hàng bình ổn giá, thúc đẩy sản xuất kit trong nước để đảm bảo nguồn cung, giảm giá thành sản phẩm", ông Long nói.
Thời gian giá kit xét nghiệm dấy lên nhiều ý kiến về "trục lợi", "loạn giá", "lãng phí"... Thủ tướng yêu cầu thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, kit test.