Dữ liệu của Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore tính đến ngày 17/11 với xăng RON 92 và RON 95 giảm lần lượt 7-8% so với kỳ điều hành trước đó, lần lượt xuống 93,34 USD và 95,89 USD.
Giá dầu hoả cũng quay đầu giảm, có thời điểm ở mức 88 USD một thùng trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đồng minh đưa ra cảnh báo nghiêm trọng đối với một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn.
Mặc dù không đề cập đến số liệu cụ thể, OPEC cho biết sẽ thay đổi kế hoạch tăng sản lượng chậm hơn để bù đắp cho lượng thùng dư thừa đã giải phóng. Trong tháng này, nhóm sản xuất dầu lớn đã nhất trí bám sát kế hoạch nâng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng một ngày kể từ tháng 12.
Trong phiên giao dịch ngày 23/11, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,4% xuống còn 76,44 USD một thùng. Cùng lúc, giá dầu thô Brent cũng hạ 0,28% về 79,49 USD một thùng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM cho biết, diễn biến dầu trên thế giới đang điều chỉnh giảm mạnh nên kỳ điều hành vào thứ 5 tuần này, giá xăng sẽ giảm quanh mức 1.000-1.200 đồng một lít. Còn giá dầu giảm 300-400 đồng một lít.
Trong trường hợp, nhà điều hành vừa trích Quỹ bình ổn vừa cho giảm giá, giá xăng sẽ giảm khoảng 500-600 đồng mỗi lít. Còn giá dầu sẽ không tác động bởi Quỹ mà cho giảm giá theo thị trường.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, sau 5 lần tăng giá liên tiếp, nhiều hàng hóa đang chịu sức ép khá lớn nên kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có thể cho giảm giá theo thị trường và không sử dụng Quỹ.
Tại kỳ điều hành 10/11, mỗi lít xăng tăng 550-660 đồng lên sát 25.000 đồng; dầu hoả và diesel giữ nguyên giá trong khi dầu mazut giảm.
Ở kỳ này, cơ quan điều hành giảm mức chi Quỹ bình ổn với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Liên bộ cũng tiếp tục không trích quỹ bình ổn cho các mặt hàng xăng, dầu diesel và tăng trích quỹ với dầu hoả, dầu madut. Theo đó, mức trích quỹ bình ổn xăng dầu với dầu hoả là 150 đồng một lít, dầu madut là 500 đồng mỗi kg.
Thi Hà