Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 trên địa bàn tăng 0,18% so với tháng trước - mức tăng cao nhất trong 5 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, CPI tại Hà Nội mới tăng 1,34% - thấp hơn nhiều giới hạn thành phố đề ra là 6-7%.
Chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội. Đơn vị: % |
Trong tháng này, đồ uống và thuốc lá; nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng và giao thông là ba nhóm có chỉ số giá tăng mạnh nhất (đều tăng trên 0,5% so với tháng trước). Theo cơ quan thống kê, giá xăng dầu điều chỉnh tăng hai lần liên tiếp vào cuối tháng 6 và tháng 7, lên mức cao kỷ lục 25.640 đồng một lít RON 92 đã khiến chi phí vận tải tăng, kéo một số mặt hàng khác tăng theo.
Ngoài ra, dù Bộ Giao thông đã hoãn xử phạt một số trường hợp xe chở quá tải trọng, xong giá cước trên thị trường cũng chưa về mức bình ổn, đẩy cước vận chuyển lên cao.
Kỳ thi Đại học, Cao đẳng diễn ra từ đầu tháng cũng khiến nhu cầu chỗ ở và ăn uống trên địa bàn tăng, ảnh hưởng tới giá phòng cho thuê và một số dịch vụ khác. Cụ thể, lượng hành khách vận chuyển sau khi giảm trong tháng 6 đã tăng trở lại trong tháng này với mức tăng 1,4% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ ngành vận tải theo đó cũng tăng gần 12% so với một năm trước.
Không thuộc nhóm tính chỉ số giá, song chỉ số giá vàng và đôla Mỹ tháng này cũng lần lượt tăng gần 2% và 0,56% so với tháng 6.
Về thương mại, trong tháng 7 các doanh nghiệp tại Hà Nội tiếp tục nhập siêu hơn 1,1 tỷ USD, đưa mức nhập siêu 7 tháng lên 7,4 tỷ USD, bằng 115% kim ngạch xuất khẩu.
Huyền Thư