Cùng với xăng, giá bán lẻ dầu diezen 0,05S được Petrolimex và các doanh nghiệp khác giảm phổ biến ở mức 1.460 đồng, về 15.170 đồng. Dầu hỏa và dầu madút còn 15.610 đồng và 12.220 đồng, giảm lần lượt 1.500 đồng và 1.080 đồng.
Trước đó, theo yêu cầu của Liên bộ Tài chính - Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối cần giảm giá tối thiểu 1.897 đồng đối với xăng RON 92 từ 16h trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục giảm. Dầu diezen giảm 1.459 đồng một lít xuống 15.179 đồng một lít. Dầu hoả giảm tối thiểu 1.494 đồng còn 15.620 đồng. Dầu madút còn 11.856 đồng mỗi kg, giảm 1.078 đồng so với mức giá cũ.
Cơ quan điều hành cho biết, trong chu kỳ từ ngày 6/1 đến 21/1, bình quân giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore là khoảng 54 USD một thùng, giảm khoảng 10 USD so với chu kỳ tính giá lần trước. Đặc biệt, trong một số phiên mức giá giảm xuống còn xấp xỉ 50 USD mỗi thùng.
Kể từ tháng 3/2012, đây là mức điều chỉnh lớn thứ hai của mặt hàng xăng dầu. Trước đó, cuối năm 2014, xăng RON92 giảm 2.050 đồng, mức mạnh nhất trong vòng 4 năm.
Cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp tăng mức trích quỹ bình ổn giá thêm 300 đồng lên mức 800 đồng đối với tất cả các chủng loại xăng dầu. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 của giá xăng dầu từ đầu năm 2015. Trước đó vào ngày 6/1, xăng RON 92 được giảm giá 310 đồng xuống còn 17.570 đồng. Trong năm 2014, riêng nửa cuối năm, giá xăng giảm 12 lần với tổng cộng 7.769 đồng. Nếu tính chung mặt hàng xăng dầu năm 2014 có 24 lần điều chỉnh.
Trước đó, vào đầu giờ chiều nay, thông tin từ phía doanh nghiệp cho biết mức giảm tối thiểu dự kiến của giá xăng RON 92 là 1.444 đồng. Cùng với đó, thuế xăng dầu có thể tăng lên mức kịch trần là 40%. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, tạm thời thuế nhập khẩu mặt hàng này vẫn được giữ như mức hiện hành (35%). Do đó, mức giảm của mặt hàng này nhiều hơn so với dự kiến, lên gần 1.897 đồng.
Trong một chỉ đạo về điều hành xăng dầu vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi chiều qua 20/1, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu hai Bộ Tài chính, Công Thương tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động giá dầu thô trên thế giới để kịp thời có biện pháp xử lý về thuế nhập khẩu và giá bán lẻ xăng dầu cho phù hợp, để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng, đồng thời góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo thông tin điều hành được Bộ Tài chính đưa ra chiều 21/1, thuế xuất nhập khẩu với xăng dầu được giữ nguyên ở mức 35%. Trong khi đó, theo quy định ban hành đầu tháng 12 năm ngoái, nếu giá xăng dầu thế giới giảm xuống dưới 60 USD một thùng thì mức trần thuế có thể lên 40%. Hiện thuế đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa, dầu madút đều là 35%, dầu diezen là 30%, xăng - nhiên liệu máy bay là 25%. Theo lý giải của Bộ Tài chính, mức thuế suất được giữ nguyên nhằm để dành dư địa cho điều hành giá, giúp giảm các chi phí đầu vào của nền kinh tế. Trước đó, do giá dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm nên từ đầu tháng 12 đến nay, thuế nhập khẩu mặt hàng này đã được điều chỉnh 3 lần, từ 18% lên mức hiện tại. |
Ngọc Tuyên