Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trưa 6/12 công bố biểu giá bán lẻ mới trong đó RON 92 được niêm yết 19.930 đồng một lít, còn xăng RON 95 được bán với giá 20.530 đồng một lít, đồng loạt giảm 320 đồng. Xăng sinh học E5 có giá tương tự RON 92.
Dầu Mazut cũng giảm 320 đồng, trong khi Điêzen và Dầu hoả lần lượt giảm 240 và 280 đồng một lít.
Biểu giá xăng dầu Petrolimex - áp dụng từ 13h ngày 6/12/2014
Lãnh đạo Petrolimex lý giải quyết định giảm giá xuất phát từ diễn biến thế giới.
Bộ Công Thương cho biết trong chu kỳ tính giá từ 22/11 đến 6/11, bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore là 81,289 USD một thùng. Theo tính toán của Bộ, giá cơ sở của xăng RON 92 do đó cũng giảm 312 đồng xuống còn 19.939 đồng một lít sau khi tính toán đủ chi phí, thuế. Giá cơ sở các loại dầu giảm trên 200 đồng một lít.
Vì vậy, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh giá bán lẻ không cao hơn so với giá cơ sở, đồng thời giảm mức trích quỹ bình ổn từ 600 đồng xuống còn 300 đồng một lít, áp dụng với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Thuế nhập khẩu các loại xăng dầu cũng tăng gấp rưỡi. Trong đó thuế nhập khẩu xăng đang từ 18% lên 27%, áp dụng từ ngày 6/12. Điêzen có thuế suất nhập khẩu mới là 23% thay vì mức cũ 14%. Trong khi đó dầu hoả có thuế nhập khẩu 26% thay vì 16%, còn Mazút chịu thuế 24% thay vì 15%.
Đây là lần thứ 11 liên tiếp giá xăng giảm kể từ 28/7, sau khi tăng một mạch 5 lần trong 6 tháng đầu năm. Lần điều chỉnh gần nhất vào 22/11 cũng là mức giảm kỷ lục trong nhiều năm qua, 1.140 đồng một lít. Với mức giảm 320 đồng một lít hôm nay, đây là lần đầu tiên giá xăng RON 92 xuống dưới 20.000 đồng kể từ cuối tháng 3/2011.
Diễn biến giá xăng RON 92 kể từ 24/2/2011, khi còn ở mức 19.300 đồng một lít. Nguồn số liệu: Petrolimex |
Đà giảm mạnh và liên tiếp của giá dầu thế giới đang ảnh hưởng tới Việt Nam theo cả hai chiều, xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu nhiên liệu thành phẩm. Trong bối cảnh thu ngân sách đang khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi kim ngạch xuất khẩu dầu thô sụt giảm do diễn biến giá thế giới, Bộ Tài chính hôm 4/12 cũng quyết định nới trần thuế nhập khẩu xăng dầu lên 40% thay vì 30% như hiện hành.
Kỳ Duyên