Nhiều hãng bay nội địa ghi nhận tăng trưởng doanh thu hàng chục phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi báo cáo tài chính quý I được công bố. Hai ông lớn nhất ngành - Vietnam Airlines và Vietjet ghi nhận khoản thu hợp nhất tăng lần lượt 25% và 38%, lên gần 28.270 tỷ và hơn 17.790 tỷ đồng.
Với hãng hàng không quốc gia, đây là mức thu một quý cao nhất từ trước đến nay. Trước dịch, thời điểm thu nhiều nhất của Vietnam Airlines (VNA) là quý I/2019, trên 25.500 tỷ đồng. Nhờ khoản thu kỷ lục quý đầu năm nay, công ty này ngắt được mạch thua lỗ 16 quý liền. Hãng lãi hợp nhất sau thuế hơn 4.440 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lãi gần 1.500 tỷ trong 3 tháng qua.
Còn Vietjet (VJ) lãi sau thuế gần 540 tỷ đồng, gấp 3 lần quý I/2023. Với hãng bay chi phí thấp này, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay.
Tương tự, một hãng bay giá rẻ khác là Pacific Airlines cũng ngắt mạch thua lỗ từ sau đại dịch.
Trong khi đó, Vietravel Airlines - hãng bay trẻ nhất ngành hàng không Việt - tăng 40% doanh thu trong quý đầu năm nay, trên 490 tỷ đồng. Hãng này có 3 tàu bay khai thác trên các chặng nội địa, 2 đường bay quốc tế thường lệ và một số chuyến charter nước ngoài. Nguồn thu tăng mạnh giúp công ty lần đầu có lợi nhuận ròng trong ba tháng liền (khoảng 10 tỷ đồng) kể từ 2021 - thời điểm bắt đầu hoạt động.
Quý I thường là giai đoạn kinh doanh thuận lợi của ngành hàng không, khi có cao điểm Tết. Năm nay, các hãng bay trong nước ghi nhận bội thu hơn, một phần nhờ mặt bằng giá vé nội địa được đẩy lên cao. Việc thiếu tàu bay do bảo dưỡng động cơ khiến doanh nghiệp hàng không giảm chuyến bay nội địa, làm một số giai đoạn vé máy bay khan hiếm.
Cao điểm Tết năm nay, tình trạng hàng loạt đường bay từ miền Bắc, Trung vào phía Nam hết vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia kéo dài đến gần hết tháng Giêng, trong khi thông thường mọi năm qua Rằm giá đã dần hạ nhiệt. Giá vé phổ thông các chặng bay nay cũng neo sát mức trần (khoảng 6-7 triệu mỗi vé khứ hồi).
Mặt khác, từ nửa cuối 2023, các hãng ít tung ra dải vé giá rẻ (0 đồng, 99.000 đồng, 199.000 đồng...) cho đường bay nội địa để kích cầu đi lại, du lịch. Hiện, mức thấp nhất (chưa gồm thuế, phí) được các hãng bán trên đường bay từ Hà Nội đi TP HCM gần 640.000 đồng.
Từ 1/3, trần giá vé máy bay nội địa trên phần lớn chặng bay tăng thêm khoảng 5%. Trong đó, mức cao nhất cho hành trình dài trên 1.280 km như Hà Nội - Phú Quốc là 4 triệu, tăng 250.000 đồng so với hiện hành. Việc này cũng có thể khiến giá vé nội địa tăng thêm trong dịp người dân có nhu cầu đi lại lớn.
Hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, rà soát việc bán vé, do giá tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, du lịch của người dân.
Thực tế, khách hàng hiện ít sự lựa chọn trên thị trường trong nước sau khi Bamboo Airways tái cơ cấu, thu hẹp quy mô và chỉ giữ lại vài tàu bay từ cuối năm ngoái. Còn Pacific Airlines dừng hoạt động sau khi trả hết tàu bay hồi cuối tháng 3. Vì vậy, thị trường nội địa phân khúc cao gần như nằm trọn trong tay Vietnam Airlines, còn giá thấp thuộc về Vietjet.
Trong lúc tàu bay thiếu hụt, nhu cầu đi lại quốc tế phục hồi, VNA và VJ chọn phương án giảm tần suất hoặc tạm dừng một số đường bay nội địa đến các địa phương kém hiệu quả để dồn lực bay ra nước ngoài. Đây cũng là yếu tố giúp nguồn thu hai hãng này tăng mạnh, bên cạnh nguyên nhân giá vé nội địa neo cao.
Quý I, số chuyến, lượt khách quốc tế của Vietjet tăng 53% và 61% so với cùng kỳ 2023. Còn với Vietnam Airlines, cơ cấu nguồn thu từ bay quốc tế chiếm gần 65% tổng doanh thu, tức gần 18.300 tỷ đồng. Giai đoạn này ba năm trước, thị trường quốc tế chỉ đóng góp lần lượt 21,5%, 48,8% và 60,9% vào tổng doanh thu vận tải của hãng hàng không quốc gia.
Ngoài ra, giá vé bay quốc tế cũng không bị khống chế bởi khung trần theo quy định như nội địa. Doanh nghiệp được phụ thu thêm chi phí xăng dầu theo chính sách của từng thị trường nước ngoài ở mỗi giai đoạn cụ thể. So với năm ngoái, sức ép về giá nhiên liệu giảm, giúp các hãng hàng không cải thiện biên lợi nhuận.
Bên cạnh các hãng bay, doanh nghiệp dịch vụ hàng không cũng thắng lớn trong quý đầu năm. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng doanh thu 19%, lên trên 5.640 tỷ đồng. Lợi nhuận quý này của đại gia sân bay cũng ở mức kỷ lục, với trên 3.628 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng hơn 78% so với cùng kỳ 2023.
Doanh thu Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) cũng tăng 20%, lên 680 tỷ đồng. Doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ mặt đất, nhà hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất này lãi gần 57 tỷ đồng, tăng 25% - cao nhất từ sau đại dịch. Tương tự, lợi nhuận của Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cũng tăng 12%, lên gần 62 tỷ đồng.
SSI Research dự báo lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp hàng không sẽ được cải thiện nhờ lượng khách quốc tế tăng, chi phí nhiên liệu thấp hơn và tình trạng dư cung giảm.
"2024 sẽ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phục hồi của ngành", nhóm phân tích của SSI cho hay. Theo kịch bản cơ sở của đơn vị này, lượng khách quốc tế sẽ tăng trở lại mức của năm 2019 vào quý cuối năm nay, trong khi hành khách nội địa dự kiến đi ngang.
Anh Tú