Lúc 15h30, Tập đoàn DOJI hạ giá bán vàng miếng vài trăm nghìn đồng, xuống 55,16 triệu đồng, còn mua vào về 54,10 triệu đồng.
Cùng lúc, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn yết giá vàng miếng SJC quanh 53,8 - 55,4 triệu đồng, giảm 600.000 đồng một lượng so với mức đỉnh 56 triệu lập được trước đó vài giờ. Chênh lệch mua bán duy trì mức 1,6 triệu đồng một lượng.
Cuối phiên sáng, SJC nâng giá bán ra lên 56 triệu đồng và mua vào 54,4 triệu đồng một lượng. Giá các loại vàng trọng lượng nhỏ hơn được đẩy lên đến 56,02-56,03 triệu đồng một lượng. Theo đó, mỗi lượng đã tăng 1,2 triệu đồng so với chiều qua.
Trước đó, từ đầu giờ sáng, tại Hà Nội, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI lúc 9h sáng niêm yết giá mua vào 53,68 triệu đồng và bán ra 54,71 triệu đồng một lượng, lần lượt tăng 580.000 đồng và 360.000 đồng một lượng. Giá bán lẻ tại TP HCM cao hơn nửa triệu mỗi lượng, chạm mốc 55 triệu đồng.
Trong 30 phút đầu mở cửa, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) hai lần điều chỉnh giá bán. Lần đầu tiên tăng 70.000 đồng so với cuối phiên hôm qua, lên 54,87 triệu đồng. Lần thứ hai nhảy vọt lên 55,07 triệu đồng và lập đỉnh mới trong lịch sử thị trường kim loại quý.
Giá vàng "nhảy" múa cũng khiến lượng khách đổ tới cửa hàng nhiều hơn. Theo khảo sát của VnExpress, tại phố Trần Nhân Tông từ 10h30 sáng nay, nhiều người đem vàng đi bán để chốt lời.
Xu hướng đi lên của giá vàng trong nước ngược dòng với thế giới. Theo sàn Kitco, giá kim loại quý vừa chững lại sau chuỗi tăng ấn tượng và đang giao dịch tại 1.885 USD một ounce. Điều này một phần đến từ một số điểm sáng trong báo cáo tài chính quý II của nhiều doanh nghiệp niêm yết giúp chứng khoán Mỹ tăng mạnh, cộng thêm tâm lý lo ngại vơi bớt khi triển vọng về vaccine sáng sủa hơn.
"Rất khó để đưa ra nhận định về xu hướng tăng giảm của giá vàng trong thời gian này khi sự biến động đang bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố trái chiều như dịch bệnh, chiến tranh thương mại, gói hỗ trợ tài chính của chính phủ tại các quốc gia", đại diện Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI nói.
Thiên Ngân - Anh Tú