Chốt phiên giao dịch 10/12, giá vàng thế giới giao ngay tăng 34 USD lên 2.693 USD một ounce. Sang sáng 11/12, giá tiếp tục tăng, có thời điểm lên 2.701 USD.
"Lo ngại căng thẳng leo thang tại Trung Đông đang củng cố lực mua trú ẩn", Peter Grant - chiến lược gia kim loại quý tại Zaner Metals cho biết. Các nhóm vũ trang tại Syria chiếm quyền kiểm soát thủ đô Damascus sau 13 năm nội chiến, buộc Tổng thống Bashar al-Assad rời đất nước sang Nga.
Một nguyên nhân khác là xu hướng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu. Grant dự báo ngân hàng trung ương các nước như Canada, châu Âu, Thụy Sĩ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng hành động tuần tới.
Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư hiện dồn về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 11 và chỉ số giá sản xuất (PPI) công bố ngày 11-12/12. Cả hai đều có khả năng tác động đến quyết định lãi suất của Fed.
"Chỉ số CPI tác động hạn chế đến vàng, nếu kết quả ở quanh mức dự báo là tăng 0,3%. Nhưng CPI tăng tốc làm giảm khả năng Fed hạ lãi đầu năm sau", Fawad Razaqzada - nhà phân tích thị trường tại Forex.com nhận định.
Năm nay, Fed đã giảm lãi suất 2 lần. Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, nhà đầu tư hiện dự báo xác suất Fed giảm lãi thêm 25 điểm cơ bản vào kỳ họp tuần tới là 86%.
Vàng được coi là công cụ an toàn trong thời kỳ biến động kinh tế - chính trị. Kim loại quý cũng có xu hướng tăng giá khi lãi suất thấp.
Ngoài phương Tây, Trung Quốc tuần này cũng tuyên bố sẽ áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng phù hợp" và chính sách tài khóa chủ động hơn trong năm tới. "Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Tết Nguyên đán tại đây đang đến gần, có thể kéo nhu cầu vàng, đặc biệt là trang sức, lên cao", Razaqzada dự báo.
Hà Thu (theo Reuters, Kitco)