Chốt phiên giao dịch 13/9, mỗi ounce vàng giao ngay tăng 19 USD lên 2.577 USD. Đây là mức cao kỷ lục mới. Trong phiên, giá vàng có thời điểm lên 2.584 USD.
Thị trường đã hai phiên liên tiếp lập đỉnh, do nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất mạnh tay trong phiên họp ngày 17-18/9, khi số liệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt. Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch cho thấy nhà đầu tư hiện đặt cược xác suất 47% Fed giảm 50 điểm cơ bản (0,5%) tuần tới. Đây sẽ là lần đầu tiên cơ quan này nới lỏng tiền tệ kể từ năm 2020.
"Thị trường vẫn kỳ vọng đến cuối năm nay, Fed sẽ giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản. Sau tháng 9, họ còn hai phiên họp nữa", các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết. Giá vàng vì thế sẽ còn tiếp tục tăng.
Citi Research dự báo giá có thể lên 3.000 USD vào giữa năm sau, do làn sóng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn và bầu cử Tổng thống tại Mỹ. Ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Kim loại quý hôm qua còn được hỗ trợ khi đồng đôla Mỹ mất giá. Phiên 13/9, USD xuống thấp nhất kể từ đầu năm so với yen. Việc này giúp vàng bớt đắt đỏ với người mua ngoài Mỹ.
Trên thị trường vật chất, các quỹ ETF vàng trong tháng 8 ghi nhận tháng mua ròng thứ 4 liên tiếp, theo báo cáo của Hội đồng vàng Thế giới (WGC). SPDR Gold Trust - quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới - hiện nắm giữ lượng kim loại quý lớn nhất kể từ tháng 1.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác hôm qua cũng tăng giá. Bạc tăng 3,2% lên 30,8 USD một ounce. Bạch kim tăng 2,6% lên 1.002 USD. Palladium chốt tuần tại 1.064 USD, tương đương mức tăng 1,8%.
Hà Thu (theo Reuters)