Mở cửa phiên Mỹ tối 3/11, giá vàng thế giới giao ngay tăng 18 USD chỉ trong nửa tiếng, lên 2.003 USD. Tuy nhiên, mức tăng sau đó dần thu hẹp. Chốt phiên, giá chỉ còn tăng 7 USD lên 1.992 USD một ounce.
Giá đi lên sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy thị trường việc làm nước này co lại trong tháng 10. Số việc làm mới được tạo ra chỉ là 150.000, thấp hơn dự báo là 178.000.
Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên 3,9% trong tháng 10. Trước đó, các nhà kinh tế học dự báo tỷ lệ này không thay đổi, tại 3,8%.
Các số liệu trên được đánh giá là đáng thất vọng, khiến nhu cầu mua vàng tăng cao. Kim loại quý này được coi là tài sản an toàn khi có biến động kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, theo các nhà kinh tế học, số liệu việc làm và tăng trưởng lương yếu sẽ càng củng cố dự báo của thị trường rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn thành việc nâng lãi suất.
"Bằng chứng thuyết phục nhất để Fed từ bỏ quan điểm thắt chặt là tăng trưởng lương vẫn đang chậm lại. Lương giờ chỉ tăng 0,2% mỗi tháng và lương năm chỉ tăng 4,1% - thấp nhất kể từ giữa năm 2021. Chúng tôi cho rằng thị trường lao động sẽ tiếp tục yếu đi và Fed sẽ giảm lãi suất trong nửa đầu năm sau", Andrew Hunter - nhà kinh tế học tại Capital Economics cho biết trên Kitco.
Giá vàng thường diễn biến ngược chiều với lãi suất, do kim loại này không trả lãi cố định. Vì thế, nếu Fed không tiếp tục nâng lãi, vàng sẽ hưởng lợi.
Tháng này, giá vàng tăng mạnh do xung đột Israel - Hamas. Phiên 27/10, giá có lúc chạm 2.009 USD - cao nhất kể từ tháng 5. Tổng cộng, giá đã tăng 8%, tương đương gần 150 USD, kể từ khi xung đột tại Trung Đông nổ ra ngày 7/10.
Tuy nhiên, giá tuần này bắt đầu hạ nhiệt khi tâm lý lo sợ dần hạ nhiệt. Nguyên nhân là thị trường cho rằng xung đột giữa Israel và Hamas sẽ còn kéo dài.
Hà Thu (theo Kitco, Reuters)