Chốt phiên giao dịch 5/3, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay tăng 13 USD lên 2.128 USD. Trong phiên, giá vàng có thời điểm lên 2.141 USD - cao nhất lịch sử. Kỷ lục cũ xác lập tháng 12/2023 là 2.135 USD.
Giá vàng tăng do nhà đầu tư ngày càng tin vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong tháng 6. "Thị trường đặt cược ngày Fed giảm lãi đang đến gần. Điều này đã kéo vàng lên. Chúng tôi cho rằng đến quý II, giá có thể vượt 2.300 USD một ounce", Bart Melek - Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại TD Securities nhận định.
Ngày 6 và 7/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Nhà đầu tư sẽ theo sát diễn biến này để tìm manh mối về thời điểm Fed giảm lãi. Thứ Sáu này, Mỹ cũng sẽ nhận báo cáo việc làm tháng 2.
Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, nhà đầu tư hiện đặt cược khả năng Fed giảm lãi tháng 6 là 70%.
Vài tháng qua, nhu cầu mua vàng trú ẩn cũng lên cao do xung đột tại Trung Đông. Vàng được coi là công cụ cất trữ giá trị trong thời kỳ biến động kinh tế - chính trị. Kim loại quý đã tăng hơn 300 USD kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra năm ngoái.
"Rủi ro địa chính trị từ Biển Đỏ và các cuộc bầu cử sắp diễn ra năm nay có lẽ sẽ tiếp tục kéo nhu cầu vàng lên cao. Và một khi việc Fed giảm lãi suất trở nên chắc chắn, vàng sẽ còn tăng mạnh", Nitesh Shah - chiến lược gia hàng hóa tại WisdomTree dự báo.
Ngoài ra, kim loại quý còn hưởng lợi từ sức mua gần đây của người tiêu dùng Trung Quốc. Giới phân tích gọi đây là một "hiện tượng", khi nhà đầu tư Trung Quốc tìm nơi an toàn để cất giữ tài sản trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản nước này lao dốc.
Trừ vàng, các kim loại quý khác hôm qua đều giảm giá. Bạc mất 0,8% về 23,7 USD một ounce. Bạch kim giảm 1,8% về 881 USD một ounce. Palladium mất 1,1% còn 949 USD.
Hà Thu (theo Reuters)