Chốt phiên giao dịch 26/9, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay tăng gần 17 USD lên 2.673 USD. Trong phiên, giá vàng có thời điểm lên mức cao kỷ lục 2.685 USD.
Giới phân tích cho rằng thị trường hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ. Căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục lên cao, khiến nhà đầu tư tìm đến vàng để trú ẩn. Vài ngày qua, Israel và Hezbollah - lực lượng, nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn tại Lebanon liên tiếp tập kích qua lại. Bộ Y tế Lebanon cho biết 92 người đã thiệt mạng và 153 người bị thương trong các cuộc tập kích của Israel 24 giờ qua.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như đứng yên tại 3,798%. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng giảm nhiều loại lãi suất tham chiếu để kích thích kinh tế. Việc này diễn ra vài ngày sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020. Môi trường lãi suất thấp sẽ có lợi cho vàng, do kim loại quý không trả lãi cố định.
Nhà đầu tư hiện kỳ vọng Fed tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước là 218.000 - thấp hơn dự báo, cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh. Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, thị trường hiện dự báo Fed giảm lãi ít nhất là 25 điểm cơ bản (0,25%) trong phiên họp sắp tới. Xác suất giảm 50 điểm cơ bản hiện là hơn 51%.
Trên thị trường vật chất, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các quỹ ETF vàng đã mua ròng 3 triệu tấn kim loại quý tuần trước. Hầu hết ngân hàng lớn, như JPMorgan hay UBS, cho rằng đà tăng của vàng sẽ kéo dài sang 2025, nhờ lực mua của các quỹ ETF và kỳ vọng về làn sóng giảm lãi suất trên toàn cầu.
Từ đầu năm, giá đã tăng khoảng 600 USD một ounce, tương đương 28%. Vàng đang trên đà ghi nhận năm tăng giá mạnh nhất kể từ 2010.
Hà Thu (theo FX, Kitco)