Chốt phiên giao dịch 9/12, giá vàng thế giới giao ngay tăng 27 USD lên 2.659 USD. Trong phiên, giá có thời điểm lên sát 2.680 USD - cao nhất 2 tuần qua.
"Yếu tố quan trọng nhất là tin tức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mua vàng dự trữ trở lại sau 6 tháng dừng. Thị trường ngày càng kỳ vọng các ngân hàng trung ương khác có hành động tương tự, khôi phục lực mua kỷ lục", Bart Melek - Giám đốc Chiến lược hàng hóa tại TD Securities nhận xét.
Việc PBOC mua vàng trở lại trong tháng 11 có thể kéo theo nhu cầu của nhà đầu tư nước này. Năm ngoái, PBOC là ngân hàng trung ương mua nhiều vàng nhất thế giới. Tuy nhiên, việc kim loại quý lên cao từ giữa năm nay khiến họ dừng mua suốt 6 tháng qua.
Lực mua của các ngân hàng trung ương góp phần lớn vào đà tăng kỷ lục của kim loại quý năm nay. Một nguyên nhân khác là căng thẳng địa chính trị và chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 9 và 25 điểm cơ bản trong tháng 11. Nhà đầu tư hiện dự báo 86% khả năng cơ quan này tiếp tục hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần tới. Lãi suất thấp có lợi cho vàng, do kim loại quý này không trả lãi.
Tuy nhiên, nếu Fed dừng lại và phát tín hiệu thận trọng, giá vàng sẽ chịu sức ép trong ngắn hạn, Rhona O'Connell - nhà phân tích tại StoneX cho biết. "Còn trong trung hạn, tác động từ bất ổn địa chính trị và tình hình khó khăn tại nhiều ngân hàng sẽ lấn át các yếu tố bất lợi cho vàng", O'Connell khẳng định.
Căng thẳng tại Trung Đông dâng cao cuối tuần trước, khi các nhóm vũ trang tại Syria chiếm quyền kiểm soát thủ đô Damascus sau 13 năm nội chiến, buộc Tổng thống Bashar al-Assad rời đất nước sang Nga. Biến động kinh tế - chính trị cũng có lợi cho vàng.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng tăng giá. Bạc tăng 3% lên 31,9 USD một ounce. Bạch kim tăng 1,5% lên 943 USD và palladium tăng 2,2% lên 977 USD.
Hà Thu (theo Reuters, Kitco)