Chốt phiên giao dịch 16/2, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay mất 30 USD, về 1.793,5 USD. Đây là mức thấp nhất trong hơn một tuần qua, do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và chỉ số DJIA lập đỉnh mới.
Mở cửa phiên sáng nay, giá tiếp tục đi xuống, hiện giao dịch quanh 1.787 USD một ounce. "Vàng đang chuyển từ công cụ phòng trừ lạm phát, như những gì đã diễn ra năm 2020, để thành công cụ phòng trừ rủi ro", Daniel Ghali - chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities nhận xét.
Vàng được coi là công cụ phòng trừ lạm phát nảy sinh từ gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ. Tuy nhiên, chính gói này lại kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên, từ đó khiến vàng kém hấp dẫn, do không trả lãi.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 chốt phiên 16/2 giảm 0,1% về 3.932 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,3% về 14.047 điểm. Tuy nhiên, DJIA lại tăng 0,2% lên kỷ lục mới là 31.522 điểm.
Năng lượng là nhóm tăng mạnh nhất, với 2,3%. Nguyên nhân là thời tiết lạnh đột ngột đe dọa nguồn cung tại Mỹ, kéo giá dầu thô WTI lên trên 60 USD một thùng lần đầu tiên trong hơn một năm.
Đầu phiên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều lập đỉnh mới, khi chỉ số đo biến động thị trường xuống dưới ngưỡng quan trọng, tạo đà cho hoạt động mua vào. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên cao nhất kể từ tháng 2/2020 đã gây sức ép lên thị trường chứng khoán. Nhiều người cho rằng lãi tăng có thể đe dọa các ngành như công nghệ, vốn hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp.
Tháng này, Wall Street đã tăng khá mạnh nhờ việc triển khai vaccine Covid-19, kinh tế mở cửa trở lại và kỳ vọng Mỹ tung thêm kích thích tài khóa. Tổng cộng, DJIA đã tăng 5,1%, S&P 500 tăng 5,9% và Nasdaq tăng 7,5%. Riêng S&P 500 năm nay đã 10 lần lập đỉnh chốt phiên.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)