Trưa 25/2 (rạng sáng 26/2 giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay "bốc hơi" 60 USD, xuống còn 2.893 USD một ouce. Mức này giảm khoảng 2% so với chốt phiên giao dịch hôm trước.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures lý giải đợt lao dốc này là hoạt động chốt lời thông thường sau khi vàng lập đỉnh mới.
Trước đó, vàng thế giới giao ngay tăng 18 USD lên 2.953 USD một ounce trong phiên giao dịch hôm 24/2. Kim loại quý có lúc xác lập kỷ lục mới tại 2.956 USD. Đây là lần thứ 11 kim loại quý lập đỉnh trong năm nay.
Giá vàng thế giới lao dốc phiên 25/2. Đồ thị: Kitco
Bất chấp đợt bán tháo này, chuyên gia vẫn dự báo tích cực. "Chúng tôi vẫn tin rằng xu hướng đi ngang đến tăng giá vẫn còn nguyên vẹn", David Meger nói.
Hôm 24/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố giữ nguyên kế hoạch áp thuế với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, bất chấp nỗ lực của hai nước này trong việc tăng cường an ninh biên giới và ngăn chặn fentanyl vào Mỹ.
"Tôi vẫn cho rằng còn nhiều yếu tố bất định liên quan đến chính sách thuế quan và thương mại nói chung. Vì vậy, những đợt giảm giá như thế này sẽ tiếp tục được coi là cơ hội mua vào", Peter Grant, Phó chủ tịch kiêm chiến lược gia kim loại cấp cao tại Zaner Metals nhận định.
Theo Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), lượng nắm giữ của Quỹ SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới – đã tăng lên 904,38 tấn vào ngày 16/2, mức cao nhất kể từ tháng 8/2023.
Các nhà đầu tư đang đợi báo cáo Chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - dự kiến công bố vào thứ sáu (ngày 28/2) để tìm kiếm tín hiệu về lộ trình cắt giảm lãi suất và chính sách tiền tệ.
Các nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ phản ứng "mạnh mẽ và có hệ thống" trước những biến động về lạm phát và thị trường lao động, theo nghiên cứu công bố đầu tuần của Fed San Francisco. Lạm phát cao có thể buộc Fed duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Phiên An (theo Reuters)