Chốt phiên giao dịch ngày 13/1, giá vàng thế giới giao ngay giảm xuống 2.662 USD một ounce. Trong khi cuối tuần trước, giá còn chạm đỉnh một tháng.
Thị trường đảo chiều khi USD tăng vọt lên đỉnh 2 năm nhờ báo cáo việc làm sôi động của Mỹ tuần trước. Báo cáo này củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang (Fed) tiếp tục thận trọng trong cắt giảm lãi suất năm nay.
"Báo cáo việc làm tốt hơn dự báo giúp đồng đôla và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Hệ quả là vàng đi xuống", Bob Haberkorn - chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures nhận định.
Phiên 13/1, Dollar Index - đo sức mạnh của đôla Mỹ với 6 tiền tệ lớn - lên cao nhất kể từ tháng 11/2022. USD tăng giá khiến vàng đắt đỏ với người mua ngoài Mỹ. Hoạt động chốt lời sau khi giá tuần trước tăng cũng góp phần khiến kim loại quý bị bán tháo, Haberkorn cho biết thêm.
Tuần tới, ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Các chính sách bảo hộ thương mại của ông được dự báo thổi bùng lạm phát và có thể châm ngòi chiến tranh thương mại. Vàng có thể hưởng lợi trong kịch bản này, với vai trò công cụ trú ẩn.
Nhà đầu tư hiện chờ báo cáo lạm phát, số liệu thất nghiệp và doanh số bán lẻ Mỹ công bố tuần này. Các báo cáo này giúp họ có thêm manh mối về sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo chính sách của Fed.
"Nếu lạm phát vẫn ở mức cao, khả năng Fed giảm lãi suất trong nửa đầu năm là rất thấp", Fawad Razaqzada - nhà phân tích thị trường tại City Index nhận định. Hiện tại, thị trường dự báo Fed chỉ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) năm nay - thấp hơn so với kỳ vọng 40 điểm cơ bản tuần trước. Lãi suất cao sẽ khiến công cụ không trả lãi như vàng kém hấp dẫn.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng mất giá. Bạc giảm 2,6% về 29,6 USD một ounce. Bạch kim mất 1,4% về 950 USD và palladium hạ 0,5% còn 943,5 USD.
Hà Thu (theo Reuters, Kitco)