Chốt phiên giao dịch 19/7, giá vàng thế giới giao ngay giảm gần 44 USD, về 2.400 USD một ounce. Nguyên nhân là USD mạnh lên và nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi giá vàng có thời điểm chạm đỉnh lịch sử 2.483 USD hôm 17/7.
Dollar Index hôm qua tăng 0,2% so với các tiền tệ lớn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đi lên, gây thêm sức ép với vàng - công cụ không trả lãi.
"Ngoài hoạt động bán chốt lời, thị trường còn đi xuống do nhà đầu tư tin vào triển vọng kinh tế Mỹ hạ cánh mềm. Việc này sẽ gây áp lực với kim loại quý, do nhà đầu tư chuyển tiền từ nơi an toàn đến nơi rủi ro cao hơn", Alex Ebkarian - Giám đốc Tác nghiệp tại Allegiance Gold nhận định trên Reuters.
Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch Tool cho thấy thị trường hiện dự báo 98% khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất vào tháng 9. Vàng sẽ hấp dẫn hơn trong môi trường lãi suất thấp.
Đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các số liệu lạm phát gần đây "giúp Fed thêm tự tin" rằng với tốc độ hiện tại, lạm phát đang trên đà quay về mục tiêu một cách bền vững.
"Nếu các quỹ ETF đầu tư thêm vào vàng khi lãi suất giảm, giá sẽ tăng đáng kể. Nếu kinh tế yếu đi buộc các chính phủ tung thêm kích thích, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, cả vàng và các kim loại dùng nhiều trong công nghiệp đều tăng giá", Chris Mancini - Giám đốc Danh mục đầu tư tại Gabelli Gold Fund nhận định.
Trên thị trường vật chất, nhu cầu vàng tại châu Á tuần này lại ì ạch. Điều này cho thấy khách hàng lưỡng lự mua thêm dù giá giảm sâu. Nhóm này cũng đã bán ra chốt lời sau khi giá lên đỉnh.
Giá bạc hôm 19/7 giảm 3,2% xuống 29,1 USD một ounce. Bạch kim mất 0,3%, đóng cửa tại 964,7 USD. Palladium giảm 2,7% về 905 USD. Cả ba kim loại này đều ghi nhận tuần giảm.
Hà Thu (theo Kitco, Reuters)