Chốt phiên giao dịch 23/5, giá vàng thế giới giao ngay giảm 48 USD về 2.329 USD một ounce. Đây là mức thấp nhất hơn một tuần.
Phiên trước đó, giá cũng hạ 42 USD. Tổng cộng sau hai phiên, mỗi ounce mất 90 USD.
Tuần này, thị trường đã có 3 phiên đi xuống liên tiếp, ngay sau khi lập đỉnh lịch sử hôm 20/5 tại 2.449 USD. Dù vậy, tính chung từ đầu năm, giá vẫn tăng 14%.
Giá vàng hạ do nhà đầu tư lo ngại lãi suất tại Mỹ không được giảm sớm. Hôm 22/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 4, cho thấy các quan chức chưa vội hạ lãi suất. Một số thậm chí đề cập đến khả năng tăng lãi. Lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý.
Một nguyên nhân khác là hôm qua, S&P Global công bố chỉ số giá sản xuất (PMI) của Mỹ trong tháng 5 lên cao nhất 2 năm. Số liệu này kéo giá USD lên cao, khiến vàng kém hấp dẫn.
Daniel Ghali - chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities nhận định USD tăng và triển vọng giảm lãi suất tại Mỹ mờ mịt đã châm ngòi cho làn sóng bán vàng chốt lời. Tuy nhiên, đà giảm sẽ bị hạn chế.
"Không phải tất cả những nhà đầu tư quan tâm đến lãi suất đều mua vàng. Vì thế, họ không có quá nhiều để bán ra. Chúng tôi cho rằng dù thị trường đang điều chỉnh, mức giảm tương đối ít", ông giải thích.
Ngân hàng UBS gần đây nâng dự báo kim loại quý có thể lên 2.600 USD một ounce vào cuối năm nay. Ngân hàng này khuyến nghị mua vào khi giá ở mức 2.300 USD trở xuống. Nguyên nhân là số liệu kinh tế Mỹ yếu đi trong tháng 4, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương tăng và bất ổn chính trị còn tiếp diễn.
Tại Ấn Độ - thị trường tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, một cơ quan chính phủ dự báo nhập khẩu kim loại quý của nước này có thể giảm gần 20% trong năm nay. Giá cao khiến nhu cầu mua mới trang sức của người dân đi xuống.
Hà Thu (theo Reuters)