Giá vàng chịu tác động suy giảm do đồng bạc xanh mạnh lên nhờ thông tin số lượng việc làm trong lĩnh vực tư nhân tại Mỹ do ADP công bố tăng mạnh trong tháng 5.
Chỉ số Dollar Index tăng 0,7%. Yếu tố này đã gây áp lực lên thị trường vàng. Đóng cửa phiên 3/6, kim loại quý giảm 37,4 USD tương đương mất 1,95%, xuống 1.870,8 USD mỗi ounce.
Biểu đồ giá vàng giảm xuống 1.869 USD.
Từ trước khi báo cáo việc làm trong lĩnh vực tư nhân của ADP được công bố, Giám đốc điều hành tại Metals Daily, ông Ross Norman, nhận xét giá vàng đã tăng 13% tính từ tháng 3 đến nay - mức tăng khá ấn tượng. Tuy nhiên, niềm tin vào vàng khá mong manh và động lực tăng của kim loại quý đang giảm bớt. Ông tin giá vàng đã lập đỉnh và các hoạt động chốt lời sẽ chỉ khiến cho giá kim loại quý giảm sâu hơn.
Theo ADP, số lượng việc làm trong lĩnh vực tư nhân tại Mỹ tháng 5 tăng 978.000, cao hơn rất nhiều so với mức dự báo 680.000 của giới chuyên gia trước đó.
Chính phủ Mỹ trong khi đó công bố số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 20.000 xuống 385.000 người và ghi nhận tuần suy giảm thứ 5 liên tiếp.
"Tăng trưởng việc làm giữ yếu tố then chốt trong xu thế diễn biến ngắn hạn của USD cũng như giá vàng", Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Insignia Consultants – ông Chintan Karnani nói trong nhận định thị trường mới đây.
Ông Karnani cho rằng, hướng đi của giá vàng sắp tới sẽ còn phụ thuộc vào báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ dự kiến công bố ngày thứ Sáu này.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 3/6, các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ, kết thúc chuỗi 5 ngày tăng liên tiếp. Cổ phiếu chu kỳ tăng điểm không bù lại được sự suy giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ dù số liệu việc làm và ngành dịch vụ nước này tích cực.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 0,1% xuống 34.577 điểm; S&P 500 mất 0,4% xuống 4.192,8 điểm; chỉ số Nasdaq giảm 0,1% xuống 13.756,3 điểm.
Cổ phiếu chu kỳ, cổ phiếu của những doanh nghiệp dự kiến hưởng lợi khi kinh tế tăng tốc, tăng điểm mạnh trong phiên. Chỉ số cổ phiếu năng lượng thuộc S&P 500 tăng 0,3% trong khi đó cổ phiếu ngành tài chính tăng 0,3%; nhưng cổ phiếu công nghiệp giảm 0,2%.
Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố chỉ số ngành dịch vụ tăng lên mức kỷ lục 64% trong tháng 5 từ mức 62,7% vào tháng 4. Cùng ngày, HIS công bố chỉ số ngành dịch vụ Mỹ tháng 5 ở mức 70,4 điểm – ngưỡng cao nhất tính từ năm 2009, ngưỡng trên 50 cho thấy sự tăng trưởng.
Diệu Thanh (theo Marketwatch)