Giá vàng thế giới giao ngay giảm gần 18 USD, chốt phiên giao dịch 17/2 tại 1.776 USD một ounce - thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2020. Nguyên nhân là nhà đầu tư đặt cược vào đà hồi phục kinh tế, khiến đôla Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.
"Kinh tế Mỹ được dự báo chậm rãi hồi phục", David Meger - Giám đốc Giao dịch Kim loại quý tại High Ridge Futures cho biết. Sự lạc quan về khả năng kiểm soát đại dịch được thể hiện khi đôla tăng giá nhẹ và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên cao nhất một năm, Meger cho biết.
Kỳ vọng của nhà đầu tư về gói kích thích 1.900 tỷ USD và lạm phát tăng tốc đã kéo lợi suất trái phiếu Mỹ lên cao, từ đó đưa giá đôla lên đỉnh một tuần so với các tiền tệ lớn khác. Dù vàng được coi là công cụ phòng trừ lạm phát, lợi suất tăng lại khiến kim loại quý kém hấp dẫn, do không trả lãi cố định.
Dù vậy, Craig Erlam - nhà phân tích tại OANDA cho biết vàng có thể được chuộng trở lại nếu các tiền tệ khác tăng giá so với USD trong năm nay.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số DJIA hôm qua lập đỉnh mới sau phiên giao dịch đầy biến động, nhờ cổ phiếu Verizon và Chevron tăng vọt. Chốt phiên, DJIA tăng 0,3% lên 31.613 điểm.
Ngược lại, S&P 500 giảm 0,1% về 3.931 điểm do nhóm cổ phiếu công nghệ mất 1%. Nasdaq Composite giảm 0,6% do Apple mất 1,8%.
Verizon là một trong những mã tăng mạnh nhất hôm qua, với 5,2%, sau thông tin Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett có cổ phần lớn trong này. Chevron cũng tăng 3% nhờ thông tin tương tự.
Đà giảm của S&P 500 thu hẹp khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản phiên họp lần trước cho thấy cơ quan này sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ khi nền kinh tế chưa tiến về gần mức tiền đại dịch. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới được công bố cũng cho thấy sự cải thiện. Doanh số bán lẻ tháng 1 tăng vượt dự báo, với 5,3%. Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng 1,3% - mạnh nhất kể từ năm 2009.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)