Nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ tháng 8 dự kiến công bố ngày 3/9. Thông tin từ báo cáo này sẽ góp phần quyết định hướng chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và giá vàng.
Đóng cửa phiên 2/9, giá vàng giao ngay trên thị trường New York hạ nhẹ 0,27% và đóng cửa tại mức 1.809,6 USD một ounce.
Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại Ava Trade, ông Naeem Aslam, khẳng định, giá vàng dường như "thiếu sức sống" trong suốt vài ngày qua khi nhà đầu tư không sẵn sàng mạnh tay giao dịch trong lúc chờ đợi thông tin kinh tế quan trọng.
Thông tin về thị trường việc làm của Mỹ sẽ "đặt nền móng" cho cuộc họp của Fed trong tháng này. "Nhiều chuyên gia dự báo khả năng Fed sẽ thông báo về chính sách siết chặt thanh khoản", ông Aslam nhận định.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại BullionVault, ông Adrian Ash cũng nhận xét, số liệu việc làm tháng 8 nhiều khả năng sẽ mang đến những biến động cho giá vàng và các kim loại quý.
Theo tuyên bố mới nhất từ Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Sáu (30/8) vừa rồi, ông ủng hộ việc giảm tốc độ mua trái phiếu trong năm nay, tuy nhiên ông không nói đến khi nào Fed sẽ chính thức thông báo về việc thắt chặt chính sách này.
Từ những gì chủ tịch Fed nói vào tuần trước, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã coi báo cáo thị trường việc làm sắp tới như yếu tố quan trọng để giúp họ có thể dự báo được rõ ràng hơn về thời điểm cũng như quy mô điều chỉnh chính sách của Fed. Yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến giao dịch vàng.
Trong ngày 2/9, số liệu mới công bố cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất ngiệp lần đầu ở thời điểm cuối tháng 8 rơi xuống mức thấp mới, tính từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Trong tuần gần nhất, chỉ 340.000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, giảm 14.000 so với tuần trước đó.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong ngày 2/9 khi số liệu mới nhất về thị trường lao động Mỹ cũng như thông tin về cán cân thương mại cho thấy kinh tế Mỹ vẫn phục hồi vững vàng.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 35.443,8 điểm; S&P 500 tăng 0,3% lên 4.536,9 điểm và như vậy lập kỷ lục mới; chỉ số Nasdaq nhích thêm 0,1% và chốt phiên ở 15.331,1 điểm. Cổ phiếu công nghệ trên sàn chứng khoán Mỹ lên điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm khá bền vững trong gần 1 năm, bất chấp các vấn đề và bất ổn do đại dịch gây ra. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 tăng 20%, cao hơn 40% so với mức thấp trong 52 tuần thiết lập vào tháng 9/2020. Và tính từ tháng 11/2020 đến nay, chưa có phiên nào chỉ số này giảm quá 5%.
S&P 500 tăng liên tục từ tháng 2 đến tháng 8, ghi nhận chuỗi thời gian tăng dài nhất tính từ năm 2018. Còn tính từ đầu năm đến nay, chỉ số đã lập 53 kỷ lục.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng. Bởi theo các số liệu thống kê, vào những năm chỉ số S&P 500 tăng ít nhất 20% tính đến tháng 8, tính cả năm, chỉ số thường giảm 2% - tức hoàn toàn có khả năng đảo chiều trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Diệu Thanh (Theo WSJ, MarketWatch)