Chốt phiên 23/3, giá vàng thế giới tăng tới 4%, tương đương 52 USD lên 1.551 USD một ounce. Sáng nay, đà tăng vẫn tiếp tục, kéo kim loại quý lên 1.586 USD – cao nhất 2 tuần qua.
Giá vàng miếng trong nước cũng lên cao theo thế giới. Tại Tập đoàn DOJI, giá mua bán mỗi lượng hiện được niêm yết quanh 46,5 - 47,1 triệu đồng, tăng 650.000 - 800.000 đồng so với chiều qua. Có thời điểm, giá bán tăng 1 triệu đồng lên 47,3 triệu.
Mức tăng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là 300.000 - 600.000 đồng, kéo giá mỗi lượng lên 46 - 47,2 triệu đồng.
Fed hôm qua tung thêm biện pháp hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhằm bù đắp thiệt hại do đại dịch gây ra. Sau khi hạ lãi suất xuống quanh 0%, Fed thông báo sẽ cho các ngân hàng vay dựa trên các khoản thế chấp bằng khoản vay nộp học phí và vay thẻ tín dụng. Cơ quan này cũng sẽ mua lại trái phiếu doanh nghiệp và cho vay trực tiếp với các công ty.
Hàng loạt ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới cũng đang tung kích thích để xoa dịu tác động kinh tế từ đại dịch. Đến nay, cả thế giới đã ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm.
"Fed đã tung ra vũ khí lớn nhất đến nay, thậm chí lớn hơn cả thời khủng hoảng tài chính", Tai Wong – Giám đốc Giao dịch Kim loại quý tại BMO nhận định, "Thị trường đã phản ứng ngay lập tức. Giá vàng tăng vọt, chứng khoán cũng co hẹp đà giảm. Dù vậy, câu hỏi đặt ra là tâm lý này sẽ duy trì được bao lâu". Craig Erlam – nhà phân tích tại OANDA thì cho biết ngưỡng hỗ trợ hiện tại của kim loại quý là 1.450 USD một ounce.
Tháng này, giá vàng đã giảm gần 2%. Thị trường chứng khoán lao dốc khiến nhà đầu tư đổ xô bán vàng để giữ tiền mặt hoặc nộp ký quỹ. Dự trữ tại quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust giảm 1,5% về 908,19 tấn hôm thứ sáu.
Hà Thu (theo Reuters, Kitco)