Thị trường hiện rất quan tâm đến quan điểm chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong buổi họp sắp tới (ngày 2-3/11) để biết cơ quan này sẽ thay đổi các biện pháp kích thích tiền tệ ra sao.
Đóng cửa phiên 1/11, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 0,51% và chốt phiên ở 1.793,5 USD một ounce.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại tổ chức môi giới OANDA, ông Edward Moya, nhận xét: "Diễn biến giá vàng mới nhất chủ yếu liên quan đến thay đổi tỷ giá USD. Sẽ có những dấu hiệu trái chiều ảnh hưởng đến giá vàng và điều này hỗ trợ giá kim loại quý trong dài hạn".
Theo phân tích của ông Moya, diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ đã khiến cho nhu cầu đối với vàng giảm đi, làm mất đi một phần thành quả tăng giá của vàng trong ngày 1/11.
Fed sẽ kết thúc buổi họp chính sách kéo dài 2 ngày vào ngày thứ Tư. Cơ quan này dự kiến thu hẹp chương trình mua trái phiếu, dấu hiệu cho thấy Fed tin kinh tế Mỹ đang hồi phục.
Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo ở Copengahen, ông Ole Hansen đánh giá: "Chúng ta cần luồng gió mới thổi vào thị trường và cuộc họp của Fed tuần này có thể là một sự kiện như vậy".
Việc gói kích cầu giảm đi và lãi suất điều chỉnh tăng thường có xu thế đẩy lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng lên, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên.
Thị trường chứng khoán tăng điểm lên mức kỷ lục trong ngày 1/11, ngày giao dịch đầu tiên của tháng mới sau khi thị trường đã trải qua khoảng thời gian tăng điểm ấn tượng.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 0,26% lên 35.913,8 điểm; cổ phiếu Boeing và Dow Jones đóng cửa cao kỷ lục; chỉ số S&P 500 tăng gần 0,2% lên 4.613,6 điểm - mức cao chưa từng thấy. Chỉ số Nasdaq tăng 0,6% và chốt phiên ở mức đỉnh mới 15.595,9 điểm.
Giá trị vốn hóa của Tesla sau khi đạt 1.000 tỷ USD tuần trước đã tiếp tục tăng thêm trong tuần này khi mà cổ phiếu tăng đến 8,5% ngay phiên đầu tháng 11.
Nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến quá trình phục hồi kinh tế như Ford hay Occidental Petroleum đồng thời tăng điểm. Cổ phiếu Ford và Occidental Petroleum tăng lần lượt 5% và 3,8%. Cổ phiếu các hãng hàng không và bán lẻ đồng loạt tăng trong khi đó phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn không tăng điểm mạnh.
Sau tháng 9 đầy khó khăn khi chỉ số S&P 500 mất hơn 4% giá trị, đến tháng vừa qua, chỉ số tăng gần 7% khi cả ba chỉ số đều tăng điểm mạnh. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 tăng hơn 22%.
Diệu Thanh (Theo CNBC)