Trong ngày 16/9, giá vàng có phiên hạ sâu nhất trong 6 tuần khi mà đồng USD và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng cao hơn sau khi số liệu mới công bố cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng gần nhất tăng mạnh.
Cuối ngày, giá vàng giao ngay trên thị trường New York hạ 2,25% và chốt phiên ở mức 1.753,7 USD một ounce.
CEO tại Metals Daily, ông Ross Norman, nhận xét niềm tin vào vàng khá mong manh ngay cả khi giá nhiều loại hàng hóa khác vẫn đang tăng. Nói với báo giới, ông Norman nhấn mạnh: "Rõ ràng, việc doanh số bán lẻ tại Mỹ đột ngột tăng mạnh đã giúp đẩy tỷ giá USD và giá vàng vì vậy điều chỉnh mạnh. Giá vàng đã rớt xuống khỏi nhiều ngưỡng hỗ trợ và đang hướng đến mức 1.750 USD".
Cùng lúc đó, giới đầu tư vẫn cẩn trọng với khả năng giá vàng sẽ còn nhiều biến động bởi nhà đầu tư chờ đợi thông tin rõ ràng hơn từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu từng được đưa ra nhằm bơm thêm thanh khoản cho thị trường khi đại dịch căng thẳng nhất.
Trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Wolfpack Capital, Jeff Wright, phân tích giá vàng đã phản ứng nhanh và đầy bất ngờ trước thông tin kinh tế lạc quan vượt kỳ vọng.
Trong ngày 16/9, chính phủ Mỹ công bố số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 11/9 tăng 20.000 lên 332.000. Doanh số bán lẻ tháng 8 tăng 0,7%, ngược hẳn với dự báo suy giảm 0,7% của giới chuyên gia.
Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Philadelphia công bố chỉ số hoạt động kinh doanh tháng 9 tăng lên mức 30,7 điểm từ mức 19,4 điểm. Như vậy chuỗi 4 tuần suy giảm của chỉ số đã chính thức chấm dứt, theo khẳng định của Fed.
Xét đến những diễn biến mới gần đây và việc Fed muốn thu hẹp chương trình mua tài sản, ông Wright tin rằng giá vàng sẽ vẫn tiếp tục giảm trong những ngày tới: "Giá vàng sẽ không thể vượt ngưỡng 1.800 USD một ounce và thậm chí có thể trở lại quanh ngưỡng 1.700 USD nếu không có dòng tiền mới vào thị trường".
Chỉ số Dollar Index tăng 0,4% trong ngày 16/9 và tính từ đầu tuần đến hết phiên gần nhất đã tăng được 0,4%. Đồng USD mạnh lên thường khiến cho giá cả các loại tài sản được định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm tăng lên mức 1,327% so với mức 1,302% vào chiều ngày 15/9.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 16/9 khi mà nhà đầu tư đón nhận thông tin kinh tế Mỹ trái chiều, cùng lúc đó, tâm lý của họ chịu ảnh hưởng trước diễn biến tiêu cực từ Trung Quốc.
Tính từ đầu tháng, các chỉ số đã giảm điểm khi mà nhà đầu tư lo sợ về khả năng thị trường giảm điểm sau khi tăng trong suốt năm 2021. Nhà đầu tư đang cân nhắc về việc sự lây lan của biến chủng Delta sẽ có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 hạ 0,2% xuống còn 4.473,7 điểm; chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 0,2% còn 34.751,3 điểm; chỉ số Nasdaq tăng 0,1% lên 15.181,9 điểm.
Dù thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua nhiều phiên giảm điểm, mức thay đổi của các chỉ số chính không lớn. Tính đến hết ngày 16/9, chỉ số S&P 500 đã trải qua 20 phiên liên tiếp không biến động quá 1%.
Diệu Thanh (Theo WSJ, MarketWatch)