Giá vàng tăng mạnh trong phiên ngày 30/9 sau 2 phiên giảm liên tục trước đó khiến giá vàng rớt xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối của tháng 9, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 1,8% và chốt ở mức 1.753,2 USD một ounce. Tính trong tháng 9, giá vàng giảm 3,36% và là tháng giảm sâu nhất của giá vàng tính từ tháng 6. Tính trong quý 3, vàng mất 0,8% giá trị, theo tính toán của Metals Daily.
Giám đốc điều hành tại Metals Daily, ông Ross Norman, nhận xét: "Giá vàng đã mất nhiều yếu tố hỗ trợ trong tháng vừa qua. Tuy nhiên, vẫn có những lực đỡ nhất định cho giá vàng bao gồm quá trình kinh tế Mỹ phục hồi chậm, vấn đề liên quan đến trần nợ và cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra".
Đồng USD không có nhiều thay đổi trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng, tuy nhiên lại tăng đến 1,1% trong tuần này và nhiều khả năng có tuần lên giá mạnh nhất tính từ tháng 6. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm giảm xuống 1,5115 từ mức 1,54% vào phiên liền trước.
Những chuyên gia lạc quan về triển vọng của giá vàng đang nói đến những nỗi lo về lạm phát, lo lắng xung quanh quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc và việc Nhà Trắng bế tắc về vấn đề trần nợ của Mỹ như yếu tố hỗ trợ cho giá vàng.
Tuy nhiên, việc đồng USD không ngừng tăng giá lên ngưỡng cao nhất tính từ mùa thu năm ngoái, lợi suất trái phiếu tăng lên cũng như đồn đoán về khả năng Fed thu hẹp chương trình mua tài sản sẽ tạo lực cản giá vàng trong thời gian tới.
Chuyên gia phân tích cao cấp tại ActivTrades, ông Ricardo Evangelista, chỉ ra: "Giá vàng hiện vẫn chịu rất nhiều áp lực từ đồng USD khi mà Fed dự kiến siết chặt chính sách tiền tệ, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng. Ngoài ra, tâm lý của nhiều nhà đầu tư coi vàng như công cụ trú ẩn an toàn cũng sẽ tạo đà để đồng USD tăng hơn nữa".
Chỉ số sản xuất của Chicago (Chicago PMI0 giảm xuống còn 64,7 điểm trong tháng 9 từ mức 66,8 điểm của tháng trước đó.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 30/9 và chính thức khép lại tháng mất điểm mạnh nhất tính từ đầu năm.
Chốt phiên ngày 30/9, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 1,59% và đóng cửa ở mức 33.843,9 điểm; chỉ số S&P 500 hạ 1,19% xuống 4.307,5 điểm còn chỉ số Nasdaq giảm 0,4% xuống 14.448,5 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ như vậy đã tiếp tục giảm điểm trong một tháng có nhiều yếu tố bất lợi với thị trường khi mà lợi suất trái phiếu tăng, nỗi sợ lạm phát lớn dần và những lo lắng về thị trường bất động sản Trung Quốc ảnh hưởng xấu đến thị trường.
Trong tháng 9, chỉ số S&P 500 hạ 4,8%; chỉ số Dow Jones giảm 4,3% còn chỉ số Nasdaq sụt 5,3% và ghi nhận tháng giảm sâu nhất tính từ tháng 3/2020.
Nỗi lo về lạm phát và chuỗi cung ứng tiếp tục ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán Mỹ phiên cuối tháng 9. Cổ phiếu một số doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dùng cho gia đình bao gồm Walgreens Boots Alliance và Home Depot giảm 3,4% và 2,6%, đây cũng là 2 cổ phiếu có mức hạ mạnh nhất trong nhóm 30 cổ phiếu thuộc Dow Jones.
Cổ phiếu ngành năng lượng và tài chính sau khoảng thời gian tăng điểm mạnh đã giảm sâu trong phiên 30/9. Cổ phiếu Goldman Sachs hạ 1,7% còn cổ phiếu JP Morgan giảm 1,3%.
Diệu Thanh (Theo CNBC, MarketWatch)