Lúc 15h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC hạ giá mua vào còn 62 triệu đồng và bán ra xuống 64 triệu đồng. So với phiên cuối tuần trước, giá mua đã giảm 5,35 triệu đồng còn giá bán giảm 4 triệu đồng. Cuối tuần trước, chênh lệch mua bán mỗi lượng vàng là 600.000 đồng, nay được nới lên 2 triệu đồng. Với diễn biến hiện tại, nhà đầu tư mua một lượng vàng vào thứ Bảy tuần trước, chiều nay đã lỗ gần 6 triệu đồng.
SJC đang là hệ thống niêm yết giá mua vào thấp nhất thị trường. Đây là phiên giảm giá mạnh nhất trong lịch sử của giá vàng miếng. Lần gần nhất giá vàng điều chỉnh hơn 2,2 triệu đồng là hôm 11/8/2020, khi đó mỗi lượng giảm từ 58,3 triệu đồng xuống 55,5 triệu đồng bởi áp lực điều chỉnh của thị trường kim loại quý thế giới sau khi đã vượt đỉnh 2.000 USD một ounce.
Trước đó, mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần, SJC giảm hơn nửa triệu đồng một lượng. Đến 11h30, mỗi lượng vàng bán ra điều chỉnh thêm 1,5 triệu, nâng tổng mức giảm lên 2 triệu đồng so với cuối tuần trước, xuống 66 triệu đồng. Giá mua vào ghi nhận mức giảm sâu hơn, lên đến 2,15 triệu đồng, còn 65,2 triệu đồng.
Đầu phiên chiều, SJC tiếp tục giảm mạnh giá mua còn 64 triệu đồng và bán ra về 65,3 triệu đồng, đồng nghĩa đã giảm 3,35 triệu và 2,65 triệu đồng một lượng so với cuối tuần. Nhiều hệ thống vàng miếng lớn như DOJI, PNJ, Phú Quý cũng giảm 2,5-3,3 triệu đồng một lượng.
Lãnh đạo một công ty tư vấn quản lý tài sản ở TP HCM nhận định, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hồi đầu tháng 6 khẳng định sẽ lắng nghe, xin ý kiến nhiều bên về việc có nên sửa Nghị định 24 để thêm nhiều thương hiệu cùng sản xuất vàng miếng nhằm giảm sự độc quyền của SJC cũng tác động đến giá vàng.
"Không chỉ chúng tôi mà nhiều tổ chức, cá nhân đang có xu hướng bán vàng SJC để mua vàng nhẫn. Bao giờ chính sách thay đổi, độ vênh giữa vàng miếng trong nước và thế giới thu hẹp thì quay lại mua vàng SJC", ông này nói và dẫn chứng giá SJC hôm nay rớt hơn 5 triệu đồng một lượng nhưng vàng nhẫn ngược dòng tăng nhẹ, lên 53,1 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ - cho rằng phiên giảm "sốc" hôm nay bắt nguồn chủ yếu từ yếu tố bên ngoài. Theo đó, giá euro ngang giá USD lần đầu sau 20 năm và lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cuối tháng này đang làm tăng vị thế của đồng bạc xanh. Nhà đầu tư thế giới vì thế đang bán tháo tài sản ở nhiều kênh, trong đó có vàng, để chuyển sang nắm giữ USD.
Giá vàng quốc tế tại phiên giao dịch châu Á sáng nay tăng gần 8 USD, lên 1.716 USD, ngược chiều với giá trong nước, được ông Hải cho rằng chưa phản ánh đủ xu hướng vận động của thị trường kim loại quý. "Chiều tối nay, khi thị trường London và Chicago giao dịch, giá có thể lao dốc và tiếp tục tác động lên giá SJC trong phiên ngày mai", ông Hải nói.
Giá thế giới hiện ở mức 1.716 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, giá vàng miếng trong nước cao hơn thế giới 17,2 triệu đồng một lượng, còn vàng nhẫn cao hơn khoảng 5 triệu đồng.
Ông Hải dự báo giá vàng trong nước lẫn thế giới nhiều khả năng sẽ còn giảm thêm trong tháng này và tháng tới. "Mốc 1.700 USD có thể bị xuyên thủng", ông nói.
Thiên Ngân