Cuối buổi chiều 29/7, giá vàng trong nước hạ nhiệt khi nhiều công ty đồng loạt giảm 200.000-300.000 đồng một lượng. DOJI điều chỉnh giá bán còn 57,55 triệu đồng và niêm yết mức mua vào 56,32 triệu đồng.
Trong khi đó, SJC bán ra 57,6 triệu đồng và mua vào 56,2 triệu đồng một lượng. Biên độ mua bán quanh 1,4 triệu đồng.
Trước đó, mở cửa ngày, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI điều chỉnh tăng mạnh giá vàng miếng. Đơn vị này mua vào 56,5 triệu đồng một lượng, tăng 1,35 triệu đồng so với cuối phiên hôm qua. Giá bán ra cũng tăng 400.000 đồng mỗi lượng lên 57,5 triệu đồng. Biên độ mua bán thu hẹp còn 1 triệu đồng thay vì 1,7 triệu như hôm qua.
Cùng lúc, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá mua vào và bán ra đều tăng khoảng 700.000 đồng, lần lượt giao dịch tại 56,5 triệu đồng và 57,9 triệu đồng một lượng. Tương tự, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng niêm yết mỗi lượng mua vào 56,2 triệu đồng và bán ra 57,7 triệu đồng.
Đà tăng sáng nay ngược dòng với diễn biến của thị trường kim loại quý thế giới. Chốt phiên hôm qua, mỗi ounce vàng mất 6,6 USD và đang dao động quanh vùng 1.949 USD. Phiên điều chỉnh này được nhiều chuyên gia cho rằng đến từ tâm lý chốt lời của nhà đầu tư, nhưng xu hướng tăng dài hạn vẫn nguyên vẹn.
Nhiều hãng phân tích tiếp tục đưa ra quan điểm lạc quan về giá vàng trong giai đoạn cuối năm và dài hạn hơn. Điển hình như UBS Group dự báo giá vàng có thể chạm ngưỡng 2.000 USD một ounce vào cuối tháng 9 năm nay khi kim loại quý phát huy thế mạnh là tài sản trú ẩn an toàn trong môi trường lãi suất thấp. Bank of America (BofA) còn mạnh dạn dự báo vàng sẽ lên 3.000 USD một ounce chỉ trong 18 tháng tới vì "Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed không thể in vàng".
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nhận định, với nhà đầu tư có vốn lớn và am hiểu thị trường, đây là cơ hội tốt để lướt sóng. Nhà đầu tư giao dịch từ vài chục đến trăm cây vàng có thể mua bán giá thoả thuận với cửa hàng.
Thiên Ngân