Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại AvaTrade, ông Naeem Aslam, phân tích: "Những yếu tố bất ổn liên quan đến việc siết chặt chính sách tiền tệ là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá vàng, và cho đến khi chúng ta có thể được biết rõ ràng về định hướng chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giá vàng sẽ vẫn trong trạng thái điều chỉnh liên tục".
Đóng cửa phiên giao dịch 15/9, giá vàng giao ngay trên thị trường New York hạ 0,58% xuống còn 1.794,1 USD một ounce.
Cũng theo ông Aslam, nếu nhìn vào các số liệu kinh tế, rõ ràng Fed không có quá nhiều áp lực để thể hiện quan điểm chính sách tiền tệ cứng rắn trong cuộc họp lần tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tin rằng việc siết chặt chính sách tiền tệ sẽ bắt đầu được áp dụng trong năm nay.
Chính vì thế, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá vàng chính là cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào tuần sau. Và từ nay đến đó, giá vàng sẽ không ngừng biến động tăng giảm, ông Aslam nhận định.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Bullion Vault, ông Adrian Ash, nhận xét việc lạm phát tăng trong năm nay không giống như thời kỳ thập niên 1970, nhưng lạm phát lần này đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và cho đến giờ giá vàng không phản ứng tương xứng. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng giá năng lượng tiếp tục, trong tương lai xa hơn, giá vàng ở quanh ngưỡng 1.800 USD có thể là "rẻ" trong dài hạn.
Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo cuộc họp của Fed vào tuần sau có thể không mang đến sự rõ ràng mà nhà đầu tư đang chờ đợi.
Chuyên gia phân tích tại Kinesis Money, ông Carlo Alberto De Casa, cho rằng: "Trên thực tế, nhà đầu tư đang chờ đợi thông điệp rõ ràng hơn từ Fed liên quan đến thời điểm siết chặt chính sách tiền tệ. Nhưng điều này nhiều khả năng sẽ không đến vào cuộc họp tháng 9, thị trường sẽ vẫn phải chờ đợi định hướng rõ ràng hơn".
Chỉ số Dollar Index hạ 0,1% trong phiên 15/9 trong khi lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm tăng lên mức 1,311%. Các yếu tố này có thể hỗ trợ cho giá vàng tăng.
Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục trở lại trong ngày 15/9 sau nhiều phiên giảm điểm trong tháng 9.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hồi phục trong phiên 15/9, tăng gần 0,7% lên 34.814,3 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 4.480,7 điểm; chỉ số Nasdaq tăng 0,8% lên 15.161,5 điểm.
Về diễn biến thị trường trong thời gian tới, chiến lược gia tại JP Morgan, ông Dubravko Lakos-Bujas, nhận định: "Bất chấp những lo lắng về sự xoay chuyển của chu trình kinh doanh kinh tế, chúng tôi vẫn tự tin rằng sẽ vẫn có tăng trưởng cao hơn trước mắt và hoạt động kinh tế sẽ vẫn được đẩy nhanh tốc độ. Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán và tin rằng S&P 500 sẽ đạt mốc 4.700 điểm trước thời điểm cuối năm nay và vượt mức 5.000 điểm vào năm sau khi kỳ vọng lợi nhuận cải thiện".
Diệu Thanh (Theo CNBC, MarketWatch)