Sáng 3/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng 100.000 đồng cả hai chiều mua bán vàng nhẫn lên 81,6 - 83 triệu một lượng. Tại các thương hiệu khác như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, giá bán nhẫn trơn cũng lên cao hơn 83 triệu một lượng. Còn chiều thu mua được các thương hiệu neo quanh 82,2 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng một lượng so với vàng miếng SJC.
Cùng lúc, giá vàng miếng bán ra thị trường vẫn đi ngang tại 84 triệu đồng. Chiều mua vào được SJC niêm yết 82 triệu một lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý biến động lên xuống trong vài ngày gần đây và chưa xác lập xu hướng rõ rệt. Hiện, mỗi ounce vàng giao ngay neo quanh 2.657 USD, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 79,6 triệu đồng một lượng. Giá vàng miếng hiện cao hơn thế giới 4,4 triệu đồng còn vàng nhẫn là 3,4 triệu.
Sau khi lập đỉnh 2.685 USD một ounce, giá vàng quốc tế có xu hướng chững lại trong khi đồng đôla Mỹ tăng mạnh. Chỉ số USD Index tăng 1,5% từ đầu tháng, kéo theo giá USD trong nước cũng tăng nhẹ trong vài ngày qua. Sáng nay, Vietcombank yết tỷ giá tại 24.500 - 24.890 đồng, tăng 150 đồng trong vài ngày qua.
Dự báo về giá vàng thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng kim loại quý vẫn đang trong chu kỳ tăng. Tuy nhiên, vàng có thể đối diện với các đợt điều chỉnh ngắn hạn.
Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB dự báo, vàng có thể lên 2.700 USD một ounce trong quý IV/2024, đạt 2.800 USD vào quý I/2025, 2.900 USD vào quý II và 3.000 USD vào quý III năm sau.
Rủi ro chính với kịch bản này là khả năng lạm phát bất ngờ tăng tốc trở lại, buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải thu hẹp quy mô cắt giảm lãi suất dự kiến, do đó có thể dẫn đến sự gia tăng trở lại của đồng USD và lãi suất sẽ gây bất lợi cho vàng. Ngoài ra, sự gia tăng trở lại của USD vì nhiều lý do nằm ngoài dự báo cũng có thể gây áp lực lên vàng.
Quỳnh Trang