Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố giá bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở mức 76,98 triệu đồng một lượng, giảm 1 triệu đồng so với hôm qua.
Các ngân hàng và SJC bán ra cho người dân chênh không quá 1 triệu đồng so với giá mua từ cơ quan quản lý. Biểu giá mua bán vàng miếng của SJC cũng ngay lập tức điều chỉnh giảm theo, hiện còn 76,48-77,98 triệu đồng.
Tại các thương hiệu kinh doanh vàng miếng không thuộc diện bán "bình ổn", như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Mi Hồng, giá vàng miếng bán ra cùng neo ở mức tương đương. Tuy nhiên, giá mua vào từ người dân có sự khác biệt, hầu hết cao hơn giá mua của SJC.
Tại DOJI, giá mua vàng miếng ở mức 76,88 triệu đồng, cao hơn 400.000 đồng so với giá SJC. Các cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu mua vào giá 76,9 triệu, còn Mi Hồng và Phú Quý mua vào ở mức 77,35-77,4 triệu đồng. Biên độ mua - bán có nơi chỉ còn 500.000 đồng.
Tính chung 7 ngày qua, mỗi lượng vàng miếng đã giảm tới 12 triệu đồng, tương đương mức điều chỉnh hơn 13%. Còn nếu so với mức đỉnh lập được 92 triệu đồng trước đó, hiện mỗi lượng vàng miếng đã giảm hơn 14 triệu đồng.
Cuối giờ chiều 4/6, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết nhà điều hành đang nỗ lực thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, nên giá bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC có thể còn giảm.
Ông cũng khuyến nghị người dân cần 'rất thận trọng' khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay.
Giá vàng thế giới sáng nay neo ở mức 2.338 USD mỗi ounce, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương ứng là 71,7 triệu đồng. Như vậy, đến ngày thứ ba Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp mới, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn hơn 6 triệu đồng.
Người dân những ngày gần đây liên tục đổ đến chi nhánh các ngân hàng và SJC để mua vàng sau khi cơ quan quản lý dùng biện pháp bình ổn mới. Lượng đặt quá lớn khiến các ngân hàng "hết vàng" chỉ sau ít phút mở cửa, không đủ lượng vàng bán cho người dân.
Minh Sơn