Cuối giờ sáng nay, sau hai lần thay đổi, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 88,5-90,5 triệu đồng mỗi lượng, tăng 600.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Biên độ mua - bán giữ ở mức 2 triệu đồng.
Tại các nhà vàng khác, kim loại quý cũng điều chỉnh tương ứng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu bán quanh ngưỡng 90 triệu đồng, còn Mi Hồng giao dịch ở mức 90,3 triệu một lượng.
Giá nhẫn trơn cũng nhích nhẹ. Mỗi lượng nhẫn 24K tại SJC tăng 150.000 đồng cả hai chiều mua - bán, hiện giao dịch ở mức 75-76,6 triệu đồng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay đi ngang quanh ngưỡng 2.350 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương đương hơn 72,1 triệu đồng mỗi lượng. Chênh lệch giá trong nước và thế giới giữ ở mức hơn 18 triệu đồng.
Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước thông báo dừng đấu thầu vàng miếng và sẽ triển khai phương án khác để bình ổn thị trường vàng, dự kiến từ ngày 3/6.
Cơ quan quản lý bắt đầu gọi thầu vàng miếng SJC từ ngày 22/4. Sau 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên thành công, với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường.
Càng về sau, khối lượng đấu thầu vàng thành công càng tăng. Phiên gần nhất tổ chức ngày 23/5 có 11 ngân hàng và doanh nghiệp đã mua 13.400 lượng, chiếm gần 80% quy mô chào thầu.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, giải pháp này chưa hiệu quả. Để kéo vàng trong nước về sát với quốc tế, các chuyên gia cho rằng, nhà chức trách cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.
Bên cạnh đó, đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế, dài hơi hơn khi sửa đổi Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng SJC.
Minh Sơn