Sáng 14/10, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giá bán can thiệp vàng miếng. Các thương hiệu kinh doanh cũng đồng loạt nâng giá bán vàng miếng ra thị trường lên 85 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với cuối tuần. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), chiều mua vào cũng đắt thêm nửa triệu, lên 83 triệu đồng.
Trong khi đó, vàng nhẫn trơn 24K tăng nhẹ. SJC thêm 200.000 đồng cả hai chiều lên 81,6 - 83 triệu đồng một lượng. Tại PNJ, giá mua bán nhẫn trơn lên 82,45 - 83,4 triệu. Bảo Tín Minh Châu cũng nâng giá loại vàng này lên 82,5 - 83,4 triệu đồng.
Phiên đầu tuần, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng nhẹ lên 2.656 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 80,1 triệu đồng một lượng. Theo đó, vàng trong nước cao hơn từ 3 đến 5 triệu đồng một lượng so với thế giới.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng gần 30%. Theo dự báo của các ngân hàng hàng đầu thế giới, kim loại quý có thể lên 3.000 USD một ounce vào năm sau, tương đương với biên độ tăng khoảng 10-12%. Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ tỷ trọng nhỏ danh mục vào kênh trú ẩn này, đặc biệt trong bối cảnh kim loại quý đã tăng mạnh thời gian qua.
Theo dự báo trước đó của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB, kim loại quý có thể đối diện với các đợt điều chỉnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ngân hàng này dự báo kịch bản giá vàng sẽ thiết lập các mức kỷ lục mới, có thể lên 2.700 USD một ounce trong quý IV/2024 và đạt 2.800 USD vào đầu năm sau. Thậm chí, kim loại quý có thể đạt 3.000 USD một ounce vào quý III/2025.
Rủi ro chính với kịch bản tích cực này là khả năng lạm phát bất ngờ tăng tốc trở lại, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải thu hẹp quy mô cắt giảm lãi suất dự kiến. Do đó, đồng USD đắt thêm và lãi suất có thể gây bất lợi cho vàng.
Quỳnh Trang