Lúc 14h40, giá vàng miếng lại tăng 200.000 đồng mỗi lượng so với cuối buổi sáng, lên lại vùng 81 triệu đồng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá mua bán 79 - 81 triệu đồng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng yết 78,95 - 80,95 triệu đồng một lượng.
Trước đó, mở cửa ngày 6/3, các nhà vàng đồng loạt điều chỉnh giá vàng tăng đồng thuận với diễn biến thế giới.
Mỗi lượng vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đắt thêm 200.000 đồng cả hai chiều mua bán, lên 79 - 81 triệu đồng một lượng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI điều chỉnh giá vàng miếng lên 78,95 - 80,95 triệu đồng. Chênh lệch mua bán là 2 triệu đồng một lượng.
Tuy nhiên đến 9h40, giá vàng miếng SJC đảo chiều giảm 200.000 đồng về 78,8 - 80,8 triệu một lượng. Giá vàng miếng tại DOJI cũng xuống 78,75 - 80,75 triệu trong khi vàng nhẫn và nữ trang vẫn giữ nguyên.
Vàng nhẫn trong nước mở cửa ngày cũng tăng 50.000-100.000 đồng một lượng sau phiên nhảy vọt hôm qua. SJC yết nhẫn trơn tại 66,6 - 67,8 còn tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng lên 67,4 - 68,6 triệu.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới trong 24 giờ qua có lúc lập đỉnh lịch sử 2.141 USD mỗi ounce trước khi hạ nhiệt về 2.125 USD lúc 9h sáng giờ Việt Nam. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương 63,69 triệu đồng một lượng, thấp hơn 17 triệu đồng so với vàng miếng trong nước.
Giá vàng đang được ủng hộ do nhà nhà đầu tư ngày càng tin vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong tháng 6. "Thị trường đặt cược ngày Fed giảm lãi đang đến gần. Điều này đã kéo vàng lên. Chúng tôi cho rằng đến quý II, giá có thể vượt 2.300 USD một ounce", Bart Melek - Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại TD Securities nhận định.
Quỳnh Trang