9h15 sáng 27/2, mỗi lượng vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng chiều mua vào thêm 700.000 đồng lên 77,5 triệu đồng, chiều bán ra tăng 500.000 đồng lên 79,5 triệu. SJC nâng mạnh giá mua vào khiến biên độ mua bán được thu hẹp xuống 2 triệu đồng một lượng.
Tương tự, giá vàng miếng cũng được điều chỉnh tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. Giá mua vào được nhà vàng nâng mạnh lên 77,45 triệu còn chiều bán ra 79,45 triệu đồng.
Tuy nhiên, bước sang đầu giờ chiều, SJC lại giảm 600.000 đồng cả hai chiều so với buổi sáng, xuống 76,9 - 78,9 triệu đồng một lượng. DOJI điều chỉnh xuống 76,85 - 78,85 triệu đồng, xấp xỉ mức giá vào cuối ngày hôm qua.
So với mức đỉnh thiết lập trong ngày 26/12 năm ngoái, mỗi lượng vàng miếng chiều bán ra cho người dân hiện chỉ thấp hơn 800.000 đồng, còn chiều nhà vàng gom vào kém 1,5 triệu đồng một lượng.
Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn và nữ trang sáng nay cũng tăng 100.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua. SJC nâng giá vàng nhẫn lên 63,75 - 64,95 triệu đồng; nữ trang lên 63,55 - 64,55 triệu đồng. Tại Bảo Tín Minh Châu, nhẫn tròn trơn 24K lên khoảng 65 - 66 triệu đồng một lượng; vàng trang sức 24K lên 64,55 - 65,75 triệu.
Chiều nay, vàng nhẫn lại tiếp tục tăng thêm khoảng 50.000 đồng so với đầu sáng và lên vùng cao nhất từ trước đến nay. Nhẫn trơn 24K tại SJC chiều nay lên 63,8 - 65 triệu đồng, còn tại Bảo Tín Minh Châu, lên 65 - 66,1 triệu đồng.
Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng giao ngay hiện neo quanh 2.032 USD, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, tương đương 60,88 triệu đồng một lượng. Theo đó, mỗi lượng vàng miếng trong nước đang cao hơn thế giới 18,6 triệu còn vàng nhẫn vênh 4-5 triệu đồng so với thế giới.
Gần đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa chỉ đạo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao về quản lý thị trường vàng. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng tổng kết Nghị định 24 và báo cáo kết quả thanh tra thị trường vàng trong tháng 2.
Nghị định 24/2014 về quản lý, kinh doanh vàng được nhà chức trách ban hành với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế. Từ đó đến nay, SJC được coi là thương hiệu vàng miếng quốc gia. Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, khiến nguồn cung vàng giảm. Việc này dẫn tới thực tế thị trường nhiều thời điểm bị mất cân đối cung - cầu, giá thế giới tăng ít, trong nước đã lên rất cao.
Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu cơ quan này có các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để giá vàng miếng chênh quá cao so với thế giới.
Ngân hàng Nhà nước cuối năm ngoái cho biết sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường và có giải pháp hạn chế ảnh hưởng lên tỷ giá, lạm phát. Bên cạnh đó, cơ quan này nói cũng sẽ cân nhắc sự cần thiết của việc độc quyền vàng miếng SJC.
Quỳnh Trang